Liệu Nga có thể dựa vào Ấn Độ để thúc đẩy nền kinh tế giữa xung đột với Ukraine?
Áp lực ngày càng tăng đối với Ấn Độ từ Mỹ đang cản trở mục tiêu tự chủ chiến lược của New Delhi và sự phát triển quan hệ với Nga, vốn chính thức được coi là
- 06-07-2024Bị phục kích trên biển Đen, 2 máy bay Nga vội vã rút lui
- 06-07-2024Tổng thống Nga Putin bình luận về màn tranh luận đầu tiên giữa ông Biden-Trump
- 05-07-2024Ukraine lui quân ở miền Đông, thủ tướng Hungary "đến Nga"
- 05-07-2024TASS: Nga bắt khẩn cấp Đại tá chỉ huy Lữ đoàn tấn công đường không tham chiến ở Ukraine
Điện Kremlin mới đây xác nhận rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nga vào ngày 8 - 9/7. Bloomberg mô tả quyết định của ông Modi đến thăm Moskva ngay sau khi kết thúc phiên họp của Quốc hội mới là minh chứng cho tầm quan trọng lâu dài của mối quan hệ chặt chẽ của họ và là "chiến thắng ngoại giao" cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Như hãng tin này lưu ý, các lĩnh vực ưu tiên đàm phán tại Moskva sẽ bao gồm cung cấp vật liệu và thiết bị kỹ thuật để tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của hai nước, phát triển chung máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Trong giai đoạn từ tháng 1 - 4 năm nay, Nga là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai cho Ấn Độ (chỉ đứng sau Trung Quốc với lượng hàng giao trị giá 32,6 tỷ USD). Đổi lại, xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ sang Nga tăng 21% lên 1,6 tỷ USD, với Nga tăng từ vị trí thứ 33 lên vị trí thứ 29 trong số các nước nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ. Năm nước nhập khẩu hàng hóa Ấn Độ hàng đầu bao gồm Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Hà Lan, Singapore và Trung Quốc.
Theo nhận định của Đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 5/7, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ tăng vọt. Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chuẩn bị đàm phán với Tổng thống Putin, New Delhi muốn tiếp tục giữ thái độ trung lập và thúc đẩy thương mại với Nga.
Ấn Độ đã phải chịu nhiều áp lực từ phương Tây vì tăng nhập khẩu năng lượng của Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới này đã chứng kiến lượng dầu giao từ Nga tăng gấp mười lần vào năm 2022 và tăng gấp đôi vào năm ngoái, nhờ giá giảm mạnh. Lượng than nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng gấp ba lần trong cùng kỳ hai năm.
Bất chấp những chỉ trích từ phương Tây, New Delhi giải thích sự gia tăng này bằng cách viện dẫn mối quan hệ "ổn định và hữu nghị" truyền thống của Ấn Độ với Nga và sự phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu.
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva vào tuần tới, ông Putin sẽ tìm cách thúc đẩy hơn nữa thương mại với cường quốc Nam Á này để củng cố nền kinh tế vốn phụ thuộc vào hàng hoá của Nga và giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Khi công bố về cuộc hội đàm, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ngoài việc hợp tác về các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, còn có "ý chí chính trị chung" nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Ấn Độ đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược về quốc phòng và thương mại, vốn được tiếp tục sau khi Liên Xô sụp đổ. Năm 2000, ông Putin, khi đó là Thủ tướng Nga, đã ký một tuyên bố hợp tác mới với New Delhi.
Ấn Độ là thị trường lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga - cho đến gần đây vẫn là thị trường lớn nhất. Trong hai thập kỷ qua, Moskva đã cung cấp 65% lượng vũ khí của Ấn Độ, tổng cộng hơn 60 tỷ USD, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Moskva đã tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc như một đối trọng với phương Tây. Điện Kremlin đã giảm giá lớn cho New Delhi đối với dầu, than và phân bón để thúc đẩy nguồn thu.
Kết quả là, Ấn Độ nổi lên như một thị trường xuất khẩu lớn cho nhiên liệu hóa thạch của Nga trong quá trình tìm kiếm các điểm đến mới sau lệnh trừng phạt của phương Tây. Ví dụ, vào tháng 4 năm nay, lượng dầu thô Nga giao cho Ấn Độ đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới là 2,1 triệu thùng mỗi ngày (b/d), theo công ty phân tích tài chính S&P Global.
Dựa trên số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, thương mại song phương giữa hai nước đã đạt mức cao kỷ lục gần 65,7 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Nga, khi Ấn Độ nhập khẩu 61,4 tỷ USD hàng hóa, bao gồm dầu, phân bón, đá quý và kim loại.
"Trong thời gian dài, chúng tôi đã hợp tác với Nga từ góc độ chính trị hoặc an ninh. Khi Nga chuyển hướng về phía Đông, các cơ hội kinh tế mới đang xuất hiện. Sự gia tăng trong thương mại và các lĩnh vực hợp tác mới của hai bên không nên được coi là một hiện tượng tạm thời", Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phát biểu tại một hội nghị công nghiệp vào tháng 5.
Mặc dù các thỏa thuận mới mua vũ khí của Nga có thể bị hạn chế trong chuyến thăm lần này, sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" của Thủ tướng Modi nhằm mục đích quảng bá đất nước này như một trung tâm sản xuất, có thể chứng kiến Nga cung cấp thêm nguyên liệu thô và phụ tùng cho hoạt động sản xuất vũ khí trong nước của Ấn Độ.
Nga cũng muốn mở rộng Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (INSTC), một dự án đường bộ, đường biển và đường sắt kết nối Nga với Ấn Độ qua Iran. Nga đã vận chuyển lô than đầu tiên qua INSTC vào tháng trước. Dự án đã được triển khai trong hơn hai thập kỷ và do những hạn chế mà Nga đang phải đối mặt từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, INSTC hiện là ưu tiên thương mại quan trọng của Điện Kremlin.
Một dự án khác cũng đang được gấp rút hoàn thành là hành lang hàng hải Chennai-Vladivostok. Được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2019, tuyến đường biển trải dài 10.300 km từ vùng cực Đông của Nga có thể giúp đảm bảo dòng năng lượng và các nguyên liệu thô khác của Nga chảy đến Ấn Độ. Hành lang được đề xuất này dự kiến sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển từ 40 ngày xuống còn 24 ngày, so với tuyến đường hiện tại qua Kênh đào Suez.
Như vậy, chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Modi - chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông sau khi tái đắc cử vào tháng 6 - là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng mà Ấn Độ vẫn dành cho mối quan hệ với Điện Kremlin. Là một cường quốc đang phát triển trên thế giới, New Delhi muốn ưu tiên các lợi ích chiến lược của riêng mình trong khi cân bằng mối quan hệ với phương Tây, Nga và Trung Quốc.
Aleksei Zakharov, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), đã viết trong một bài bình luận vào tháng trước: "New Delhi đã thể hiện cách tiếp cận tinh tế để giải quyết xung đột Nga-Ukraine, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Moskva và phương Tây".
Báo Tin Tức