Liệu pháp “tắm rừng” đặc biệt giúp giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch của người Nhật
Tắm nắng thì chắc ai cũng đã biết đến. Nhưng ở Nhật, có một liệu pháp đặc biệt được gọi là “tắm rừng”.
- 23-03-2017Bài tập thể dục giảm căng thẳng hiệu quả
- 13-03-2017Khoa học đã chứng minh càng kiếm được NHIỀU TIỀN thì càng dễ CĂNG THẲNG
- 10-03-2017Căng thẳng Trung - Hàn có thể ảnh hưởng đến tất cả các đồng tiền trong thị trường mới nổi châu Á
Tắm rừng trở thành một một phần của chương trình y tế công cộng quốc gia ở Nhật Bản vào năm 1982 khi Bộ Lâm nghiệp nước này cho ra đời cụm từ shinrin-yoku, một thuật ngữ chỉ việc “đắm mình vào không gian rừng” hay “tắm rừng”.
Nhật Bản có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tắm rừng. Rừng tại Nhật Bản chiếm 67% diện tích đất và có thể dễ dàng tiếp cận. Các loài cây ở Nhật Bản như cây bách, tuyết tùng, sồi đã được chứng minh có hiệu quả trong việc nâng cao hoạt động của tế bào sát thủ tự nhiên (NK) có ích.
Thêm vào đó, do thưởng thức thiên nhiên, ví dụ như picnic tập thể dưới các tán cây hoa anh đào – là thú tiêu khiển quốc gia tại Nhật Bản nên tắm rừng nhanh chóng trở nên phổ biến. ¼ dân số tham gia tắm rừng và hàng triệu người ghé thăm các khu vực liệu pháp tắm rừng chính thức hằng năm. Yếu tố cuối cùng là liệu pháp này nhận được sự ủng hộ của chính phủ Nhật Bản khi những nhà lãnh đạo công nhận một số khu rừng là Cơ sở cho liệu pháp tắm rừng, và có kế hoạch chỉ định thêm 50 cơ sở nữa trong vòng 10 năm.
Liệu pháp tắm rừng hoạt động rất đơn giản: chỉ cần ở giữa những hàng cây. Không cần đi bộ đường dài, cũng không cần tính bước đi trên Fitbit. Bạn có thể ngồi hoặc đi dạo, vì điều quan trọng nhất là thư giãn chứ không phải hoàn thành bất cứ một mục tiêu nào cả.
Từ năm 2004 đến nắm 2012, Nhật Bản đã chi khoảng 4 triệu USD để nghiên cứu các tác động về tâm sinh lý của việc tắm rừng, và thiết kế ra 48 phương pháp trị liệu dựa trên những kết quả này.
Qing Li, giáo sư trường Y khoa Nippon ở Tokyo, đã đo hoạt động của những tế bào NK trong hệ miễn dịch trước và sau khi tiếp xúc với rừng. Những tế bào này phản ứng nhanh chóng với các tế bào nhiễm virus và việc hình thành khối u, và giúp đảm bảo sức khỏe của hệ miễn dịch và phòng chống ung thư. Trong một nghiên cứu năm 2009, các đối tượng nghiên cứu của giáo sư Li cho thấy sự gia tăng đáng kể trong hoạt động của tế bào NK một tuần sau chuyến thăm rừng, và những ảnh hưởng tích cực kéo dài một tháng sau mỗi cuối tuần ở trong rừng.
Nguyên nhân là do các loại tinh dầu khác nhau, thường được gọi là phytoncide, được tìm thấy trong gỗ, thực vật, và một số trái cây và rau quả, được cây tiết ra để tự bảo vệ mình khỏi vi trùng. và côn trùng. Không khí trong rừng không chỉ có cảm giác trong lành và tốt hơn mà thực tế nó có chứa hoạt chất phytoncide có khả năng tăng cường chức năng hệ miễn dịch.
Theo những cuộc thử nghiệm khác của Trung tâm Môi trường, Sức khỏe và Khoa học thực địa thuộc đại học Chiba Nhật Bản, thì môi trường rừng dẫn đến nồng độ cortisol (chất sinh ra khi bị stress) thấp hơn, làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, hoạt động của thần kinh giao cảm và đối giao cảm tốt hơn so với môi trường thành thị.
Nói một cách khác, được đắm mình trong thiên nhiên khiến các đối tượng nghiên cứu ít bị kích động hơn về mặt sinh lý. Họ cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn và khó bị căng thẳng hơn sau khi tắm rừng.
Cây cối cũng giúp xoa dịu tinh thần. Một nghiên cứu về ảnh hưởng tâm của tắm rừng cho thấy những người tham gia nghiên cứu giảm đáng kể giảm hành vi thù địch và sự trầm cảm, và tăng sự năng nổ, hoạt bát sau khi được tiếp xúc với cây cối.
Những người dân thành phố có thể hưởng lợi từ tác dụng của cây cối chỉ với một lần đi tới công viên. Việc tiếp xúc ngắn với cây xanh trong môi trường đô thị có thể giảm mức độ căng thẳng, và những chuyên gia đã gợi ý “một liều lượng thiên nhiên” nhất định như một phần trong việc điều trị các rối loạn tập trung của trẻ em.
Chúng ta không cần tiếp xúc nhiều với thiên nhiên thì mới nhận được những lợi ích từ thiên nhiên, nhưng việc tiếp xúc thường xuyên sẽ giúp cải thiện chức năng hệ miễn dịch và trạng thái tinh thần.
Ngoài Nhật Bản, tắm rừng cũng ngày càng phổ biến ở một số quốc gia khác như Hàn Quốc (với tên gọi salim yok), Đài Loan, Phần Lan, Trung Quốc và Mỹ. Ngoài việc đi dạo, thả mình trong thiên nhiên, du khách và người dân địa phương có thể được cung cấp các dịch vụ được tích hợp với tắm rừng như khách sạn và spa với suối nước nóng.
Trí thức trẻ