Liệu Xiaomi có trở thành Apple của ngành ô tô điện?
Xiaomi đặt cược rằng ô tô sẽ sớm trở thành những chiếc smartphone có kích cỡ lớn hơn. Nếu ô tô trở thành sự kết hợp của phần mềm và phần cứng, thì các công ty công nghệ sẽ có những thiết kế ô tô vượt trội, thu hút hơn các nhà sản xuất xe truyền thống.
- 07-04-2021Các hãng nước ngoài bị tẩy chay, thương hiệu nội địa Trung Quốc bất ngờ nắm trong tay lợi thế lớn chưa từng có
- 05-04-2021Điên cuồng khuấy đảo Phố Wall trong những ngày đầu năm nhưng giờ đây lại biến mất, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đi đâu?
Nhắc đến một nhà sản xuất smartphone chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực xe điện, người ta thường nghĩ đến Apple. Tuy nhiên, câu trả lời không chỉ có hãng sản xuất iPhone, Xiaomi – nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, cũng đang lên kế hoạch nhắm đến thị trường này.
Hôm 30/3, công ty Trung Quốc cho biết họ sẽ chi 10 tỷ USD trong tập kỷ tới để tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe điện, với khoản đầu tư ban đầu là khoảng 1,5 tỷ USD. Chi tiết kế hoạch này hiện chưa rõ ràng. Tuy nhiên, do mới gia nhập lĩnh vực sản xuất ô tô, Xiaomi có thể sẽ tìm một đối tác bên ngoài để xử lý khâu sản xuất, trong khi tập trung vào thiết kế và kỹ thuật.
"Gã khổng lồ" lĩnh vực tìm kiếm Baidu của Trung Quốc cũng đang có động thái tương tự. Công ty này hợp tác với Zhejiang Geely Holding Group – công ty mẹ của Volvo Cars, để sản xuất xe điện. Apple cũng đang trong quá trình tìm kiếm các đối tác để sản xuất xe, sau khi các cuộc đàm phán trước đó với Hyundai Motors đã "đổ bể". Mô hình gia công như vậy cũng được một số startup xe điện của Trung Quốc, như NIO, áp dụng.
Tuy nhiên, dự án này rõ ràng là mối ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch của Xiaomi. CEO và nhà sáng lập của công ty – ông Lei Jun, sẽ đích thân giám sát hoạt động được ông miêu tả là "kế hoạch kinh doanh lớn cuối cùng của cuộc đời mình". Và rõ ràng rằng, Xiaomi đang nhắm đến việc tận dụng xu hướng "điên cuồng" gần đây đối với cổ phiếu liên quan đến xe điện. Ví dụ, cổ phiếu Baidu đã tăng mạnh trong năm nay, trước khi bị các ngân hàng lớn tháo do có liên quan đến cuộc khủng hoảng Archegos.
Ngoài ra, Xiaomi cũng đặt cược rằng ô tô sẽ sớm trở thành những chiếc smartphone có kích cỡ lớn hơn. Nếu ô tô trở thành sự kết hợp của phần mềm và phần cứng, thì các công ty công nghệ sẽ có những thiết kế ô tô vượt trội, thu hút hơn các nhà sản xuất xe truyền thống. Ô tô có chức năng tự lái hoàn toàn sẽ trở thành điểm trọng yếu của sự phát triển như vậy, dù quá trình sản xuất, hoàn thiện sẽ mất nhiều năm.
Theo Wall Street Journal, "canh bạc" này dường như nằm trong khả năng chi trả của Xiaomi. Morgan Stanley nhận định, khoản đầu tư trung bình hàng năm 1 tỷ USD cũng tương đương với giai đoạn đầu của các startup xe điện khác. Trong khi đó, con số này chỉ chiếm khoảng 1/3 dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hàng năm và Xiaomi thậm chí nắm giữ 11,9 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn.
Xiaomi còn có thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, khi là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới tính đến cuối năm 2020, sau khi giành thị phần từ Huawei. Nếu thuê ngoài khâu sản xuất, Xiaomi có thể tập trung đầu tư vào R&D thay vì xây dựng nhà máy.
Dẫu vậy, Xiaomi cũng đang bước vào một lĩnh vực có rất nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng lại không có kinh nghiệm từ trước. Công ty này nổi tiếng với những sản phẩm có mức giá phải chăng và chất lượng tốt, như máy lọc không khí cho đến nồi cơm. Song, việc chế tạo ô tô – sản phẩm đắt đỏ hơn và ít được mua hơn so với đồ gia dụng, lại là một vấn đề khác. Dù nắm giữ nhiều lợi thế, nhưng lĩnh vực xe điện vẫn là "chuyến đi" đầy rủi ro với Xiaomi.
Tham khảo Wall Street Journal