Lỗ 2.000 tỉ, đạm Ninh Bình cầu cứu
Lại thêm một nhà máy vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng được tập đoàn nhà nước đầu tư, do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, từ khi hoạt động đến nay liên tục thua lỗ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Hiện nhà máy này đang tạm dừng hoạt động...
Có mặt tại Nhà máy đạm Ninh Bình những ngày giữa tháng 5-2016, khó ai có thể hình dung nhà máy quy mô 1.000 cán bộ nhân viên lại rơi vào cảnh vắng lặng dù khuôn viên hoành tráng và rộng lớn.
Lỗ 4 năm liên tục
Hơn 10 năm trước (năm 2005), Tổng công ty Hóa chất, nay là Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem), đã kiến nghị và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám, công suất 560.000 tấn/năm.
Với tham vọng đáp ứng nhu cầu phân bón trong nước, giảm nhập khẩu... nhà máy được đầu tư tại Khu công nghiệp Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD (thời giá lúc đó khoảng 10.673 tỉ đồng), nhưng vốn tự có của Vinachem cho dự án này 100 triệu USD.
Sau khi đàm phán, Vinachem quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc) làm tổng thầu thực hiện dự án.
Đến năm 2012, nhà máy sản xuất phân đạm urê (còn gọi là Nhà máy đạm Ninh Bình) đi vào hoạt động nhưng liên tiếp gặp khó khăn.
Theo báo cáo của Vinachem, năm 2012 Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỉ đồng, năm 2014 lỗ khoảng 500 tỉ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỉ đồng.
Tổng mức lỗ tới nay đã lên tới trên 2.000 tỉ đồng. Trong văn bản gửi các bộ ngành nêu thực trạng nhà máy, tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường giải thích do chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình rất khó khăn.
Và lý do khiến chi phí sản xuất cao, văn bản của Vinachem do ông Nguyễn Gia Tường ký đã gián tiếp chỉ ra: dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố.
Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao...
Do công nghệ mà phía Trung Quốc lắp đặt, nên theo Vinachem, Nhà máy đạm Ninh Bình phải chi thêm mỗi năm khoảng 42 tỉ đồng để sử dụng than cám 3c thay cho loại than cám 4a đang sử dụng.
Theo Vinachem, các chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư tăng cao, giá than cao hơn giá than tại thời điểm phê duyệt dự án đã đẩy giá thành sản xuất của Nhà máy đạm Ninh Bình lên rất cao so với các nhà máy sản xuất phân đạm khác ở trong nước.
Nguồn: Theo báo cáo của Vinachem - Đồ họa: Nh. Khanh
Đầu tư lớn, hàng nằm kho
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Nhẫn, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (quản lý Nhà máy đạm Ninh Bình), cho biết đa số các nhà máy sản xuất urê trên thế giới sản xuất từ khí đồng hành khi khai thác dầu.
Ở VN, các nhà máy đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ cũng tương tự. Do vậy, khi giá dầu xuống thấp, giá khí cũng xuống, kéo theo giá thành giảm. Trong khi đó, đạm Ninh Bình lại sản xuất từ than nên chi phí đầu tư lớn, nhà máy mới đi vào sản xuất chi phí tài chính cao, nên nhà máy bị lỗ.
Thừa nhận sản phẩm làm ra bị tồn kho, ông Nhẫn cho rằng Đạm Ninh Bình không may khi bắt đầu sản xuất rơi vào giai đoạn giá đạm urê thế giới xuống thấp.
Nếu như trước năm 2012 giá urê là 430 USD/tấn, nay chỉ còn 230 USD/tấn. Đặc biệt, nguồn cung thời gian qua lớn (Nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động, Đạm Hà Bắc mở rộng...) trong khi tổng nhu cầu của VN chỉ khoảng 2,2 triệu tấn/năm nên sản phẩm của Đạm Ninh Bình có gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Theo kế hoạch tháng 7-2016, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ tạm dừng hoạt động nhưng tháng 3-2016 nhà máy đã bất ngờ... gặp sự cố, nên hiện nay ông Vũ Văn Nhẫn cho hay nhà máy đã tạm dừng hoạt động. Xác nhận việc cho 400 công nhân tạm nghỉ việc (trong tổng số 1.000 cán bộ, công nhân), ông Nhẫn cho biết sẽ cố gắng tháng 6-2016 nhà máy hoạt động trở lại.
Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất VN đầu tư gần 11.000 tỉ đồng, do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, sau 4 năm hoạt động thua lỗ lên đến 2.000 tỉ đồng - Ảnh: Đức Minh
Cầu cứu Chính phủ
Về giải pháp cho nhà máy, ông Nhẫn cho rằng công ty sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến vốn lưu động mà nhà máy có. Ông Nhẫn thẳng thắn cho biết do mới đầu tư, mỗi năm Đạm Ninh Bình đang phải trả lãi vay tới khoảng 800 tỉ đồng, khấu hao khoảng 680 tỉ đồng.
Theo văn bản do ông Chu Văn Tuấn (trưởng ban quản lý dự án) ký, Nhà máy đạm Ninh Bình được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất và các chính sách ưu đãi của UBND tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, đứng trước tình cảnh hiện nay, ông Vũ Văn Nhẫn cho biết Vinachem đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp điều hành theo hướng tháo gỡ khó khăn.
Theo một chuyên gia tại Bộ Công thương, sở dĩ Vinachem chọn công nghệ làm urê từ than vì phía Bắc nguồn khí đồng hành không sẵn và gần như khu vực Nhà máy đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ. “Nhà máy hiện khó khăn có nguyên nhân khách quan là giá đạm thế giới giảm, nhưng với chất lượng sản phẩm và thực tế không được thị trường chào đón... thì Đạm Ninh Bình khó có thể đổ cho khách quan” - vị chuyên gia này phân tích.
Theo vị chuyên gia này, giải quyết bài toán thua lỗ của dự án “ngàn tỉ” này cần có đánh giá toàn diện lại dự án, tính hiệu quả, có thể cấp ưu đãi (có thời hạn) khi đảm bảo nhà máy sẽ phục hồi và tăng hiệu quả được. Thậm chí, có thể tính bán nhà máy để các thành phần kinh tế khác vào quản trị, tìm cách tăng hiệu quả đầu tư...
Tuổi trẻ