Lộ diện 3 "ông lớn" trúng gói thầu 30.236 tỉ đồng làm nhiệt điện Quảng Trạch I
Đại diện các bên ký hợp đồng ngày 17-6
Ngày 17-6, hợp đồng EPC nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (Quảng Bình) đã được liên danh nhà thầu ký kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
- 17-06-2021Tiệm cắt tóc, giặt ủi… muốn được miễn giảm thuế do Covid-19 phải làm đơn
- 17-06-2021Đặt mục tiêu mỗi người dân đều có QR Code vào năm 2025
- 17-06-2021Mitsubishi sắp xây dựng nhà máy điện gió tại Lào để bán điện cho Việt Nam
Ngày 17-6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Liên danh Nhà thầu Liên danh Mitsubishi Corporation (Nhật Bản), Hyundai Engineering and Construction (Hyundai E&C - Hàn Quốc) và Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đã ký kết hợp đồng gói thầu số 15 về thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp công trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I.
Theo EVN, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh).
Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện mỗi năm khoảng 8,4 tỉ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện. Tổng mức đầu tư của dự án là 41.130 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn của EVN (30%) và vốn vay thương mại trong nước (70%).
Gói thầu số 15 có tổng giá trị gói thầu khoảng 30.236 tỉ đồng, phạm vi thực hiện bao gồm thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp 2 tổ máy, công suất 2x600 MW và các hệ thống phụ trợ dùng chung. Tổ máy số 1 sẽ hoàn thành trong 42 tháng và Tổ máy số 2 sẽ hoàn thành trong 48 tháng tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Dự án dự kiến khởi công vào quý III/2021.
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, đây là dự án sử dụng công nghệ USC (trên siêu tới hạn) với thông số nhà máy cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Nhà máy sẽ được trang bị đồng bộ các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và lọc bụi do vậy hàm lượng phát thải khí sau khi được xử lý tuân thủ hoàn toàn các quy chuẩn về môi trường Việt Nam hiện hành và tương đương với các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) áp dụng.
Bên cạnh đó, các thông số về môi trường nhà máy khi vận hành được truyền về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình để giám sát trực tuyến và hiển thị công khai tại khu vực cổng nhà máy 24/24 giờ theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý môi trường.
Theo Người lao động