MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ diện 6 quốc gia và vùng lãnh thổ "vào tầm ngắm" của Mỹ về thao túng tiền tệ

16-04-2017 - 23:08 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ ngừng gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ nhưng hối thúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hãy để thị trường tác động đến tỷ giá nhân dân tệ.

Theo báo cáo ngoại tệ đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump được Bộ Tài chính mỹ công bố, không có đối tác thương mại lớn nào của Trung Quốc lọt vào danh sách những nước đã thao túng đồng nội tệ để tạo lợi thế thương mại không công bằng. Tuy nhiên Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức và Thụy Sĩ là những quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách mà Mỹ cần theo dõi.

“Gần đây Trung Quốc có thặng dư thương mại song phương rất lớn và bền vững với Mỹ, điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở cửa nền kinh tế để đón nhận hàng hóa và dịch vụ Mỹ” cũng như phải đầy mạnh cải cách để tăng sức tiêu thụ của các hộ gia đình, báo cáo có đoạn.

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng suốt 1 thập kỷ nay, Trung Quốc đã can thiệp 1 chiều, trên diện rộng để ghìm giá đồng nhân dân tệ, sau đó lại cho phép đồng tiền này tăng giá từ từ. Chính sách này khiến “người lao động và các công ty Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng và kéo dài”.

Giống như báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái, khi ông Obama vẫn làm Tổng thống, Trung Quốc chỉ phạm phải 1 trong 3 tiêu chí mà Mỹ cho là sẽ trở thành nước thao túng tiền tệ: có thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ. Với thặng dư 347 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm ngoái.

Đài Loan cũng có 1 tiêu chí, trong khi 4 nước còn lại có 2 tiêu chí.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Đức “có trách nhiệm” giúp cân bằng dòng chảy thương mại toàn cầu cũng như lực cầu của kinh tế thế giới. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu nên sử dụng chính sách tài khóa để đẩy tăng lực cầu nội địa – điều sẽ gây “áp lực giảm” lên đồng euro. Trong khi đó Thụy Sĩ “có thể tăng mức phụ thuộc vào chính sách tỷ giá để hạn chế nhu cầu tác động vào tỷ giá”. Mỹ cũng nhận định Thụy Sĩ nên minh bạch chính sách tiền tệ hơn.

Ở châu Á, Mỹ hối thúc Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm can thiệp xuống mức độ thấp nhất, đồng thời phải cải thiện chính sách tỷ giá theo hướng minh bạch và linh hoạt hơn.

Bộ Tài chính Mỹ giữ nguyên các tiêu chí để tuyên bố 1 quốc gia hay vùng lãnh thổ đang thao túng tiền tệ: có thặng dư thương mại với Mỹ đạt hơn 20 tỷ USD, có thặng dư cán cân vãng hơn 3% GDP và thường xuyên phá giá đồng nội tệ bằng cách mua vào lượng tài sản nước ngoài có giá trị tương dương 2% GDP.

Thanh Thanh

Bloomberg

Trở lên trên