MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ hổng quản lý

Từ năm 2015, khi dòng vốn FDI mới đã chảy vào Việt Nam để đón cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm nhà nước cần siết chặt quản lý để tránh phải trả giá đắt như dự án Formosa

Phát triển kinh tế tại Việt Nam từ lâu đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường nhưng không được nhận diện, đánh giá đúng mức để có biện pháp xử lý.

Bảo vệ môi trường bị xem nhẹ

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố trong quý I/2016, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Chính sách dịch vụ công CIEM, cho biết có đến 69% dự án FDI không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc, 57,5% cho biết không đầu tư vì chi phí cao. Trong số các ngành đã và đang thu hút nhiều dự án FDI như dệt may, da giày, hóa chất…, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp (DN) sử dụng công nghệ cao, 80% sử dụng công nghệ trung bình, còn lại là công nghệ thấp. Đáng lưu ý là có đến 45% DN chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, nhiều DN không tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không cam kết hoặc không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, tỉ lệ DN được thanh và kiểm tra về xử lý bảo đảm môi trường rất ít, khoảng 10 năm mới tái kiểm tra một lần trong khi biện pháp kiểm tra dựa vào cộng đồng chưa được phát huy. Đây chính là lỗ hổng khiến nhiều DN FDI bỏ qua vấn đề xử lý bảo đảm môi trường khi đầu tư vào Việt Nam.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, cho biết theo cảnh báo của các tổ chức quốc tế, nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm. Việt Nam chưa đạt mục tiêu là một nước công nghiệp hóa nhưng đã bị ô nhiễm. Xếp hạng bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2014 đứng thứ 98/137 nền kinh tế, chất lượng không khí xếp thứ 123. Nền công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào những ngành gây ra ô nhiễm như khai khoáng.

Tránh “công nghiệp xế chiều”

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá việc thu hút FDI của Việt Nam đang có hạn chế lớn. Đó là không xác định được mình sẽ trở thành cái gì. Một quốc gia phải định hình được một vài sản phẩm, có thể là du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, như nói đến ô tô, hàng điện tử là nghĩ ngay đến Nhật Bản… Nhưng Việt Nam chưa có gì, giống như một khuôn mặt nhưng không có mắt, mũi. Đó là bi kịch. “Khi kêu gọi FDI nhưng không định hình được chân dung của mình, ngành nào cũng gọi, tỉnh nào cũng gọi nên hỏng. Ta không có lợi thế gì về thép nhưng cứ thu hút nên mới ôm Formosa, một dự án có công nghệ lạc hậu. Khi năng lượng khan hiếm, muốn tiến nhanh nhưng phải tránh rơi vào ô nhiễm và bị “cầm tù” bởi ngành công nghiệp hoàng hôn như thép. Cần phải thu hút các ngành mới nổi như công nghệ thông tin” - PGS Trần Đình Thiên phân tích.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, muốn bảo vệ môi trường, phải có tầm nhìn khác. Trước đây, các địa phương đặt mục tiêu việc làm, thu ngân sách nên thu hút các dự án lớn để giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt. Việt Nam có lợi thế duy nhất là nước đi sau nhưng lại không học được những kinh nghiệm tốt của thế giới trong thu hút FDI. Formosa là bài học quá đắt, cần rà soát lại cơ chế theo hướng người tham gia quyết định dự án phải chịu trách nhiệm cá nhân mới sàng lọc được chất lượng dự án. Kết hợp với quy trình cấp phép là tầm nhìn phát triển, nếu không rõ tầm nhìn phát triển, hạ chuẩn mực để thu hút sẽ không tránh được sai lầm. Vì công nghệ càng thấp, chi phí xử lý môi trường càng cao, ngay cả xử lý được về kỹ thuật thì rủi ro cũng rất cao.

Tín hiệu tích cực

Trước xu hướng vốn FDI ngành dệt may, da giày đổ vào Việt Nam đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuối năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường và yêu cầu các địa phương phải cân nhắc kỹ trước khi chấp thuận đầu tư.

Sau khi bị Quảng Ninh từ chối do không có công nghệ xử lý chất thải, một dự án đầu tư cơ sở nhuộm của Hồng Kông đã “chạy” lên Phú Thọ nhưng cũng bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu địa phương từ chối. Sau vụ này, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Ninh Bình, Đồng Nai… đã nói không với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có 42 tỉnh, thành thu hút FDI, các địa phương còn lại không thu hút được dự án nào trong suốt nửa năm. Đây là xu hướng tốt, thể hiện sự chọn lọc của các địa phương trong thu hút vốn ngoại.

Theo Tô Hà

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên