Lỗ hổng trong truy xuất nguồn gốc thịt heo
Đêm 12 rạng sáng 13-8, đoàn giám sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm do ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, chủ trì đã đến giám sát tại Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn (chuyên giết mổ heo) và Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn.
- 09-08-2024Đảo Phú Quý thiếu thịt
- 26-07-2024Người chăn nuôi có lãi nhờ giá thịt gia cầm tăng
- 11-07-2024Giá thịt heo lên cao nhất 2 năm
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Tô Văn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng gia công giết mổ là 339.700 con. Công suất bình quân 1.887 con/ngày, mới đạt 47,17% công suất thiết kế nên hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Ông Liêm giải thích do nguồn heo sống tập trung chuyển về Long An giết mổ ở các cơ sở thủ công tại huyện Đức Lập rồi chuyển thịt heo mảnh về chợ đầu mối Hóc Môn với sản lượng hằng đêm chiếm hơn 50% tổng sản lượng heo nhập chợ. Trong khi trước đây, TP HCM chưa xây dựng các nhà máy công nghiệp và yêu cầu giết mổ công nghiệp 100% thì các cơ sở giết mổ thủ công ở Long An chỉ giết mổ cung cấp không quá 50 con/ngày.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi, TP HCM), cũng cho biết hiện sản lượng heo giết mổ tại nhà máy chỉ đạt 1.000 con/ngày trong khi công suất thiết kế hơn 3.000 con/ngày. Nguyên nhân vì thương lái đổ về tỉnh giết mổ do quy định kiểm soát ở tỉnh không chặt như TP HCM. "Đưa heo về đó chi phí vận chuyển cao hơn, thịt không tươi bằng nhưng họ (thương lái - PV) vẫn chọn phương án đó. Các nhà máy giết mổ heo công nghiệp như chúng tôi đã kêu cứu nhiều lần nhưng chưa được hỗ trợ. Hiện nhà máy của chúng tôi đang bù lỗ vì tiền gia công giết mổ chỉ 40.000 - 50.000 đồng/con, bằng với giá giết mổ thủ công ở các tỉnh" - bà Thắm bức xúc.
Đáng chú ý, cũng tại Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, đoàn giám sát phát hiện xe biển kiểm soát 70H-02330 đưa heo hơi về chờ giết mổ nhưng heo không được đeo vòng truy xuất nguồn gốc trực tiếp trên 2 chân mà lại để riêng.
Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, ở khu vực kiểm soát hàng về chợ, ông Cao Thanh Bình đã chọn ngẫu nhiên 2 xe lạnh chở heo mảnh về chợ thì phát hiện xe có vòng niêm phong của thú y, vòng niêm phong truy xuất nguồn gốc nhưng khi dùng thiết bị chuyên dụng của cán bộ quản lý an toàn thực phẩm kiểm tra thì thông tin lại không khớp với giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm.
Khi ông Cao Thanh Bình đề nghị giữ lô heo lại để kiểm tra thêm thì đại diện đội quản lý an toàn thực phẩm tại chợ giải thích giấy chứng nhận kiểm dịch có giá trị pháp lý nên vẫn cho lô hàng nhập chợ bình thường. Trong trường hợp này, đội chỉ nhắc nhở các bên liên quan nhập số liệu cho chính xác.
Đại diện Sở An toàn thực phẩm TP HCM cũng thông tin việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc chỉ là khuyến khích, không bắt buộc nên chưa có chế tài xử lý nếu chủ hàng không thực hiện.
Ông Cao Thanh Bình cho biết Ban Văn hóa - Xã hội sẽ giám sát kỹ hơn đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bởi qua giám sát sơ bộ nhận thấy còn nhiều lỗ hổng. "Vì sao phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc? Nếu không đeo vòng này thì có làm sao không? Có sự độc quyền trong cung cấp vòng truy xuất nguồn gốc không? Công ty này có phải qua đấu thầu?" - ông Bình đặt vấn đề.
Người lao động