MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ nặng nhưng vẫn IPO thành công rực rỡ và được định giá 5,3 tỷ USD, startup thuộc hàng lớn nhất ở Đông Nam Á có gì đặc biệt?

22-10-2017 - 12:34 PM | Tài chính quốc tế

Có lẽ nỗi sợ bị hụt mất cơ hội đầu tư vào “gã khổng lồ” công nghệ tiếp theo của châu Á ngay từ giai đoạn đầu đã khiến các nhà đầu tư hào hứng với Sea.

Ngày 20/10 vừa qua, cổ phiếu của Sea - công ty đến từ Singapore có tên cũ là Garena – đã có phiên giao dịch đầu tiên đầy biến động trên sàn chứng khoán New York sau vụ IPO thành công giúp thu về 884 triệu USD.

Được giao dịch với mã SE (mã SEA đã thuộc về công ty khác), cổ phiếu này được giao dịch với giá 16,25 USD khi thị trường mở cửa và sau đó nhanh chóng tăng lên mức gần 17 USD. Tuy nhiên chỉ trong một giờ sau đó giá giảm xuống còn 14,1 USD và khi chốt phiên quay về mức 16 USD.

Quy mô của vụ IPO được tăng lên 59 triệu cổ phiếu thay vì 49,7 như dự kiến ban đầu. Sea được định giá ở mức 5,3 tỷ USD. Trước đó, trả lời phỏng vấn của Financial Times, đại diện của Tencent cho biết sẽ mua số cổ phiếu trị giá 100 triệu USD.

Không chỉ có vậy,vụ IPO này được cho là thành công rực rỡ bởi cho đến nay hãng vẫn chưa có lãi dù doanh thu đã tăng khá nhanh trong mấy năm trở lại đây. Lỗ ròng trong năm 2014 là 88 triệu USD, tăng lên mức 103 triệu USD trong năm tiếp theo và số lỗ của năm 2016 là 223 triệu USD. Từ năm 2014 đến 2016 doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt gần 346 triệu USD trong năm ngoái. Tuy mảng thương mại điện tử (Shopee) và thanh toán số (AirPay) có tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn gấp đôi so với mảng game online, chúng chỉ đóng góp 5% doanh thu.

Vậy thì điều gì đã khiến Sea trở nên hấp dẫn?

Có lẽ nỗi sợ bị hụt mất cơ hội đầu tư vào “gã khổng lồ” công nghệ tiếp theo của châu Á ngay từ giai đoạn đầu đã khiến các nhà đầu tư hào hứng với Sea.

Vị thế là nhà phân phối trò chơi “hot” nhất ở khu vực – League of Legends – giúp Sea vững bước trên thị trường game online. Thực chất thì đây là tựa game được sản xuất bởi Tencent Holdings, trong khi Tencent chính là cổ đông lớn nhất của Sea. Tencent sẽ nắm khoảng 30% quyền biểu quyết sau khi IPO, trong khi nhà sáng lập của Sea là Forrest Li cùng với các lãnh đạo cao cấp khác chỉ sở hữu hơn 52%.

Cũng với sự hậu thuẫn của Tencent, startup ra đời từ năm 2009 đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà đầu tư khác như Ontario Teachers’ Pension Plan (1 quỹ đầu tư quốc gia của Malaysia) và vài tỷ phú châu Á.

Theo Keith Pogson, chuyên gia tại hãng tư vấn EY, đối với một công ty như Sea thì nhà đầu tư mua cổ phiếu của nó không phải vì những con số thể hiện khả năng tài chính mà vì giấc mơ mà nó đang hướng tới.

Trả lời phỏng vấn của Tech in Asia cách đây vài tháng, Chủ tịch Nick Nash thậm chí cho rằng 3 mảng kinh doanh cốt lõi sẽ giúp Sea sớm trở thành công ty có giá trị vốn hóa 100 tỷ USD. “Ở Trung Quốc có 3 công ty mà các hoạt động kinh doanh của chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng với họ. Tencent với giá trị vốn hóa 270 tỷ USD sẽ là chỉ báo tốt cho Garena trong lĩnh vực game online nói riêng và các dịch vụ giải trí trực tuyến nói chung; Alibaba hiện có giá trị vốn hóa 270 tỷ USD, là hình mẫu khác cho chúng tôi vì Shopee cũng hoạt động trong mảng thương mại điện tử. Và cuối cùng tất nhiên là Air Pay giống với Ant Financial – “cánh tay tài chính” của Alibaba”.

“Lấy tỷ lệ 4:1 tương quan giữa GDP Trung Quốc và GDP của khu vực gồm Đông Nam Á cộng thêm Đài Loan (nơi Sea hiện diện) Sea có thể đạt được mức giá trị vốn hóa 100 tỷ USD. Vì thế nếu chúng tôi nỗ lực hết sức để phát triển 3 mảng kinh doanh cốt lõi kể trên, đó là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được”.

Sea sẽ tiếp tục thăng hoa hay đầu hàng trước thử thách?

Dẫu vậy, 5,3 đến 100 tỷ USD là một chặng đường khá dài. Sau khi Sea đã IPO và trở thành công ty niêm yết, nhà đầu tư sẽ chú trọng đến hiện thực nhiều hơn và dưới đây là một số thách thức mà công ty này gặp phải.

Sea thường được so sánh là “phiên bản Đông Nam Á” của Tencent. Tuy nhiên có thể nhìn thấy khá nhiều điểm khác biệt ở đây.

Tencent là 1 công ty có lãi trong khi khoản lỗ của Sea thì ngày càng phình to. Đến tận gần đây tức là nửa đầu năm 2017 thì công ty này vẫn lỗ 165,2 triệu USD trên doanh thu 195,5 triệu USD. Ngược lại, Tencent lãi 4,76 tỷ USD trên doanh thu 15,5 tỷ USD. Trước khi IPO năm 2004, Tencent cũng đã có lãi 39 triệu USD trên doanh thu 89 triệu USD.

Tất nhiên các startup thường thua lỗ trước khi họ tìm ra được mô hình kinh doanh phù hợp (như trường hợp của Google hay Facebook). Nhưng Sea càng tăng trưởng thì càng lỗ. Năm 2015, Sea lỗ 37 cent trên mỗi USD doanh thu. Con số cứ tăng dần lên và đến nửa đầu năm 2017 đã lên tới 84%. Tăng trưởng doanh thu giảm từ mức 80% của năm 2015 xuống chỉ còn 17%.

Theo Nicholas Teo, chiến lược gia tại KGI Securities, có thể coi đây là một cuộc thử nghiệm cho các startup trong khu vực Đông Nam Á muốn IPO vào một ngày nào đó, trong đó có công Grab.

Thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á cạnh tranh quá khốc liệt. Alibaba đã thâu tóm Lazada để bước chân vào thị trường này, trong khi Tokopedia vừa gọi vốn được 1,1 tỷ USD. Amazon mới đây cũng đã lấy Singapore làm “bàn đạp” để tiếp cận với thị trường màu mỡ này.

Dù sao thì Sea cũng là một điểm sáng cho các startup ở Đông Nam Á. Khu vực này đã sản sinh ra 6 “chú kỳ lân” (tức những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) cùng với vài công ty được định giá gần 1 tỷ USD. Các CEO và nhà sáng lập ở Đông Nam Á sẽ nhìn vào diễn biến của cổ phiếu Sea để xem xét liệu có nên lên sàn New York.

Cách đây 3 năm, 1 công ty công nghệ khác của Đông Nam Á là MOL của Malaysia đã phải chứng kiến cổ phiếu giảm tới 30% sau khi niêm yết trên sàn Nasdaq và cũng không huy động được nhiều vốn như kỳ vọng. 18 tháng sau, MOL hủy niêm yết.

Với một khởi đầu tốt đẹp hơn rất nhiều, hi vọng Sea sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên