MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại đề xuất 'hạ chuẩn' đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất “hạ chuẩn” trong đăng kiểm viên, theo đó đăng kiểm viên không cần tốt nghiệp đại học, các trung tâm bảo dưỡng thành đơn vị đăng kiểm... Tuy nhiên, chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại làm như vậy sẽ tiếp tục xảy ra khủng hoảng.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam gấp rút nghiên cứu, đề xuất, xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo đó, quy định hiện hành bắt buộc đăng kiểm viên phải có trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Ngoài ra, đăng kiểm viên phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm, sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên. Để trở thành đăng kiểm viên bậc cao, ngoài đáp ứng các điều kiện trên đăng kiểm viên phải có kinh nghiệm, là đăng kiểm viên tối thiểu trong 36 tháng.

Lo ngại đề xuất 'hạ chuẩn' đăng kiểm - Ảnh 1.

Nhiều trung tâm đăng kiểm vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc

Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, bản chất nghề đăng kiểm là cung cấp dịch vụ kỹ thuật, nếu đăng kiểm viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng mà có chuyên môn tốt, kinh nghiệm thì hoàn toàn có thể thực hiện được mà không nhất thiết phải là người tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, những kỹ sư có thâm niên, kinh nghiệm làm việc ở các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sẽ được rút ngắn thời gian thực tập khi thi sát hạch đăng kiểm viên.

Tính đến 27/3, cả nước có 56/281 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động sau 4 tháng công an cả nước điều tra sai phạm trong ngành. Riêng Hà Nội có 17 đơn vị hoạt động với 20 dây chuyền, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đăng kiểm phương tiện.


Cơ quan này đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên. Bên cạnh đó, mỗi dây chuyền kiểm định chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm viên bậc cao để đảm nhận tất cả các công đoạn trên một dây chuyền. thay vì cần tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có 1 đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay.

Thực tế, trong bối cảnh quá tải tại các trung tâm đăng kiểm đang diễn ra tại Hà Nội, TPHCM, nhiều trung tâm đăng kiểm đã phát phiếu hẹn chủ phương tiện đến hết tuần đầu tiên của tháng 4. Tuy nhiên, một số đơn vị đăng kiểm do chỉ có 1-2 đăng kiểm viên nên không thể vận hành dây chuyền kiểm định để giảm tải cho các đơn vị khác, phục vụ người dân.

Cục Đăng kiểm cũng đề xuất mỗi dây chuyền kiểm định không bị giới hạn công suất mỗi ngày. Theo Nghị định 139, một dây chuyền loại I kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe/ngày.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, sửa đổi Nghị định số 139 hướng đến: Tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương; Nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.

Hiện các cơ quan đơn vị đang ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như: Cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định được phép kiểm định ô tô...

Cần siết chặt hơn

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho rằng, đây là những đề xuất hạ thấp tiêu chuẩn các trung tâm đăng kiểm. “Tôi cho rằng, như thế là đáng ngại. Bộ GTVT đã giãn chu kỳ đăng kiểm và không đăng kiểm lần đầu ô tô mới. Như vậy, nhu cầu đăng kiểm đã giảm đi nhiều trong thời gian tới. Sắp tới, sau đợt khủng hoảng này, nhiều trung tâm đăng kiểm tư nhân sẽ đóng cửa vì ít khách. 280 trạm hiện nay so với tiêu chuẩn mới là nhiều và sẽ khiến nhiều trung tâm thiếu việc làm”, ông Thanh nói và cho biết, đáng ra cần siết chặt hơn tiêu chuẩn đăng kiểm viên và trạm đăng kiểm thì nay lại đề xuất nới lỏng. Nếu mở rộng các trung tâm bảo dưỡng thành trạm đăng kiểm sẽ xảy ra tình trạng chủ xe bị ép mua phụ tùng khi đến đăng kiểm.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần tách bạch riêng hai nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên