Lo ngại tắc nghẽn giao thông khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động
Nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thì sẽ tạo thêm một điểm tắc mới khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
- 22-12-2021Giải mã yếu tố khiến 1 tỉnh 'tái lập' phát triển thần tốc, vượt Hà Nội và TP. HCM dành vị trí đầu bảng về thu nhập bình quân, sắp khởi công dự án lớn của LEGO
- 22-12-2021Thu nhập của giáo viên lâu năm có bị giảm trong năm 2022?
- 10-12-2021Dự án sân bay Long Thành: Ai làm chậm tiến độ thì đứng sang một bên để người khác làm!
"Không thể kết nối giữa sân bay Long Thành với TP.HCM bằng tuyến cao tốc 4 làn xe như hiện nay". Đây là nhận định của chuyên gia tại toạ đàm "Đột phá hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu" do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (22/12).
Tiến sỹ Trần Du Lịch – Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: Sân bay Long Thành nếu làm đúng tiến độ thì cũng không thể nối kết với TP.HCM bằng tuyến cao tốc 4 làn xe như hiện nay.
Ông Lịch dẫn chứng, đoạn đường từ Quốc lộ 51, Đồng Nai về đến vòng xoay An Phú, TP.HCM nhiều lúc tắc nghẽn nặng. Mặc dù đã có quy hoạch phát triển giao thông liên vùng như các tuyến Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu… nhưng cả chục năm qua vẫn nằm trên giấy.
Theo ông Lịch, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thì sẽ tạo thêm một điểm tắc mới khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Để thực hiện được các dự án hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Lịch cho rằng, phải tháo gỡ cơ chế đối tác công – tư PPP. Dù tư nhân đóng góp được 30% hay 40% trong vốn đầu tư cũng là rất tốt, còn hơn là Nhà nước làm toàn bộ. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có rất nhiều công trình hạ tầng cần phải thực hiện theo hình thức PPP, do đó cần thiết phải đề xuất để Quốc hội tháo gỡ.
Bên cạnh đó, cần phải thành lập một quỹ đầu tư vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về hạ tầng, do một hội đồng quản trị, từ đó huy động các nguồn vốn từ Nhà nước đến tư nhân cũng như để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác cho toàn vùng.
“Theo Luật quy hoạch, mỗi địa phương phải làm quy hoạch tỉnh trong khi chưa có quy hoạch. Không biết nối kết kiểu gì hay mai mốt quy hoạch vùng này là lấy mấy tỉnh cộng lại. Tôi nghĩ rằng Chính phủ và hội đồng vùng phải chỉ đạo để xử lý việc này”, ông Lịch nói.
Dự kiến, năm 2025 sân bay quốc tế Long Thành đưa vào khai thác giai đoạn 1. Tuyến đường ngắn nhất kết nối giữa sân bay và TP.HCM là tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo thống kê của Công ty Cp Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này khoảng từ 52.000 đến 57.000 lượt, trong khi thiết kế chỉ đủ đáp ứng khoảng 44.000 lượt. Thiết kế tuyến cao tốc mỗi bên chỉ có 2 lần ô tô, 1 làn khẩn cấp nên hiện đang quá tải./.
VOV