MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại trở thành doanh nghiệp lớn vì có trên 300 lao động

Các đại biểu Quốc hội vừa có phiên thảo luận về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiều 23/5. Bên ngoài nghị trường, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng lo ngại bị coi là doanh nghiệp lớn.

Vốn điều lệ hay vốn tài sản?

Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đư ra khái niệm DNNVV là doanh nghiệp có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng được một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; Doanh thu của năm liền trước không quá 300 tỷ đồng.

Không đồng tình với quy định này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt câu hỏi: “Vốn 100 tỷ đồng là vốn điều lệ hay vốn tài sản?”. Theo ông Giang, với ngành dệt may, nếu vốn đầu tư 200 tỷ đồng mà vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng thì đã tạo được việc làm cho 2.000 lao động. Do đó, ông cho rằng tiêu chí xác định DNNVV phải được xác định dựa căn cứ vào từng ngành hàng.

“Trong ngành dệt may, có những doanh nghiệp mà vốn chỉ 5 tỷ đồng nhưng tạo ra việc làm cho 1.000 lao động. Có những doanh nghiệp vốn dưới 10 tỷ đồng nhưng có tới 2.000-4.000 lao động. Việc đánh giá, xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa phải xem xét liên quan với Luật Doanh nghiệp hiện hành đã được quốc hội thông qua trước đó” – ông Giang nói.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, ông Vũ Đức Giang đánh giá quy định dưới 300 lao động mới là DNNVV cũng là một điểm hạn chế của dự thảo luật. Bởi lẽ, chỉ những DNNVV với lượng vốn yếu kém, không có năng lực trang bị máy móc hiện đại mới phải sử dụng nhiều lao động.

“Áo sơ mi tôi mặc đây, trước là người làm, giờ máy làm toàn bộ. Tôi mới sang Quảng Châu thăm một nhà máy. Toàn bộ phần sườn của sơ mi này máy làm hết. Trước đây phần thùa khuy đính nút này mỗi người một máy, giờ một người ngồi ba máy” – ông Giang cho biết.

Nên tăng số lao động lên mức 2.000 người

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng con số DNNVV Việt Nam cần tới hàng nghìn người lao động là điều bình thường và dự thảo cần nới rộng quy định lên thành 2.000 lao đông.

“Vài ngàn lao động không phải là hay. Vài ngàn lao động vì dùng máy móc thô sơ quá, công nghệ cũ quá. Do nhỏ quá nên mới sài vài ngàn lao động. Con số 300 nên xem xét lại. Hiệp hội đề xuất dưới 2.000 lao động trở xuống được hưởng quy chế doanh nghiệp nhỏ và vừa” – ông Trần Việt Anh nêu quan điểm.

Không chỉ vậy, mức 300 lao động còn được ông Trần Việt Anh đánh giá là “bất hợp lý” khi được so sánh với một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực. Trong đó, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia là những nước và vùng lãnh thổ có mô hình DNNVV gần giống với Việt Nam để học tập.

“Chúng ta đừng có sự khác biệt vì DNNVV của các nước đó cũng đang cạnh tranh thực sự với DNNVV Việt Nam. Doanh nghiệp của người ta 5.000 - 10.000 lao động, thậm chí 15.000 lao động cũng là doanh nghiệp vừa. Trong khi đó, chúng ta có trên 300 lao động đã là doanh nghiệp lớn. Điều này rất bất hợp lý!” – ông Trần Việt Anh nói.

Với cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Việt Anh đánh giá rằng đầu tàu kinh tế của cả nước cũng rất ít doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp đều trưởng thành từ hộ cá thể lên daonh nghiệp nhỏ rồi vừa. Trong một số hiệp hội ngành nghề còn không có doanh nghiệp lớn.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên