MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo sợ cơn địa chấn thứ 2 từ Trung Quốc: EU mạo hiểm quan hệ với Mỹ để "trải thảm mời" Bắc Kinh

23-06-2024 - 23:15 PM | Tài chính quốc tế

Chiến lược của châu Âu nhằm đối phó với 2 kịch bản ác mộng: Chiến tranh thương mại toàn cầu, hoặc làn sóng nhập khẩu giá rẻ mới từ Trung Quốc, WSJ nhận định.

Cú sốc Trung Quốc 2.0: Mỹ xây rào chắn, EU trải thảm mời

"Cú sốc Trung Quốc" đầu tiên vào đầu những năm 2000 đã tàn phá ngành sản xuất của Mỹ, nhưng lại "bỏ qua" phần lớn châu Âu. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, cú sốc thứ hai đang diễn ra có vẻ đáng lo ngại hơn nhiều.

Hiện nay, thay vì chỉ đơn thuần dựng lên những rào cản ngày càng cao đối với dòng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - như Mỹ đã làm, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm kiếm một lựa chọn khác: trải thảm mời.

Các quan chức châu Âu nhìn chung ủng hộ làn sóng đầu tư từ các nhà sản xuất pin Trung Quốc như CATL và các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như BYD tại Hungary, Chery Automobile tại Tây Ban Nha.

Lo sợ cơn địa chấn thứ 2 từ Trung Quốc: EU mạo hiểm quan hệ với Mỹ để "trải thảm mời" Bắc Kinh- Ảnh 1.

Một buổi triển lãm xe của BYD (Trung Quốc) tại Munich. Ảnh: Felix Schmitt / The New York Times

Hồi những năm 1980, đối mặt với làn sóng nhập khẩu ô tô giá rẻ từ Nhật Bản, chính quyền Reagan đã đàm phán các hạn ngạch xuất khẩu, khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản xây dựng nhà máy tại Mỹ.

Thế nhưng, các quan chức Mỹ hiện nay lại không mấy sẵn lòng sử dụng công thức đã áp với Nhật Bản cho Trung Quốc, quốc gia mà họ cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Ví dụ, Nhà Trắng đang cân nhắc hạn chế nhằm vào các loại ô tô được kết nối với hệ thống hỗ trợ bên ngoài (connected car) của Trung Quốc vì chúng có thể truyền dữ liệu khách hàng trở lại Trung Quốc. Châu Âu hiện tại ít lo ngại về những rủi ro như vậy (mặc dù họ có thể thay đổi suy nghĩ, như họ đã làm với cơ sở hạ tầng viễn thông cung cấp bởi Huawei).

Mặc dù trong vài năm trở lại đây hoạt động mua lại các doanh nghiệp châu Âu của Trung Quốc đã suy giảm (một phần do sự kiểm soát ngày càng tăng của châu Âu), nhưng mức độ đầu tư dự án mới lại tăng nhanh chóng, chiếm 78% tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator và trung tâm phân tích nghiên cứu Rhodium.

Trung tâm của chiến lược này xoay quanh nỗi lo sợ rằng châu Âu - đặc biệt là Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào sản xuất hơn so với Mỹ - có thể bị ảnh hưởng bởi một trong hai kịch bản ác mộng: một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, hoặc làn sóng nhập khẩu giá rẻ mới từ Trung Quốc.

Ủy ban châu Âu trong tháng này đã ra tín hiệu về kế hoạch áp đặt mức thuế tương đối khiêm tốn - cao nhất chỉ bằng phân nửa so với mức thuế 100% mà Tổng thống Biden mới công bố - đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo WSJ, một số nhà phân tích coi đây như một động thái ngầm khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển nhà máy ô tô sang châu Âu.

Hành động "tự vệ" trước "Trump 2.0"

Các nhà phân tích cho rằng, đối với cả châu Âu và Trung Quốc, hợp tác chặt chẽ hơn sẽ giúp cả hai bên "tự vệ" trước khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, người đang cam kết áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu.

Lời đe dọa của ông Trump cho châu Âu lý do để tách mình, không hoàn toàn gắn chặt với Mỹ, đồng thời khuyến khích Trung Quốc giảm bớt căng thẳng với châu Âu và duy trì khả năng tiếp cận thị trường sinh lợi của mình.

Lo sợ cơn địa chấn thứ 2 từ Trung Quốc: EU mạo hiểm quan hệ với Mỹ để "trải thảm mời" Bắc Kinh- Ảnh 2.

Ô tô do Trung Quốc sản xuất nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần trong thị trường xe điện đang phát triển của EU. Đồ họa: Wall Street Journals

Nếu điều đó xảy ra, mối liên kết về công nghiệp và công nghệ của châu Âu với Trung Quốc có thể được củng cố trong khi mối quan hệ với Washington suy yếu. Và các thương hiệu ô tô Trung Quốc sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng ở châu Âu, chứ không phải ở Mỹ.

Jacob Kirkegaard, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định, cách tiếp cận của EU đồng nghĩa với việc "chấp nhận sự tồn tại của khối công nghiệp châu Âu-Trung Quốc và nỗ lực khuyến khích nhiều hơn nữa".

Tuy nhiên, việc này cũng đem lại rủi ro cho châu Âu. Noah Barkin, chuyên gia về châu Âu-Trung Quốc tại Rhodium cho rằng: "Nếu ngành công nghiệp ô tô châu Âu hòa nhập sâu với Trung Quốc trong khi ngành công nghiệp của Mỹ hoàn toàn tách rời Trung Quốc, thì điều đó có khả năng dẫn đến căng thẳng song phương giữa EU và Mỹ".

Trên thực tế, châu Âu xuất khẩu sang Mỹ nhiều gấp đôi so với Trung Quốc. Lĩnh vực sản xuất của châu Âu có nhiều thứ để mất. Vậy vì sao lại mạo hiểm?

Vì sao EU chấp nhận mạo hiểm?

Ngành công nghiệp ô tô của châu Âu vốn đã gắn bó sâu với Trung Quốc thông qua các liên doanh có thị phần lớn ở Trung Quốc. Chẳng hạn như trường hợp của Volkswagen. Khoảng một phần ba doanh số bán hàng và một phần lớn lợi nhuận của hãng này đến từ Trung Quốc.

Hơn nữa, châu Âu có nhiều thứ để mất hơn Mỹ trong trường hợp xảy ra đứt gãy trong giao thương toàn cầu. Số lượng việc làm trong ngành sản xuất của châu Âu gấp 2,5 lần Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu của châu Âu chiếm tới 1/3 lượng hàng hóa sản xuất, trong khi con số này của Mỹ chỉ là 1/5, cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi nói trong một bài phát biểu trong tháng này.

Lo sợ cơn địa chấn thứ 2 từ Trung Quốc: EU mạo hiểm quan hệ với Mỹ để "trải thảm mời" Bắc Kinh- Ảnh 3.

Châu Âu và Trung Quốc là các nhà xuất khẩu xe lớn, trong khi Mỹ là thị trường nhập khẩu chủ yếu. Đồ họa: Wall Street Journals

Ngành sản xuất chiếm 15% tổng sản lượng của châu Âu và 18% của Đức, còn Mỹ chỉ có 11%. Những con số này phản ánh mức độ chuyên môn hóa trong công cụ kỹ thuật cao và máy móc đã giúp Trung Quốc phát triển.

Nhưng Trung Quốc ngày càng cạnh tranh trong các sản phẩm mà trước đây họ mua từ châu Âu. Các công ty Trung Quốc sản xuất nhiều máy móc và thiết bị công nghiệp hơn so với đối thủ của họ ở Mỹ, Đức và Nhật Bản cộng lại.

"Cú sốc Trung Quốc đầu tiên là một tác động tích cực ròng (net positive) cho Đức", Moritz Schularick, chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel đánh giá, "Cú sốc thứ hai sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh thực sự".

Trung Quốc từng có thời chào đón đầu tư nước ngoài như một cách để nhập khẩu công nghệ mới. Bây giờ, Barkin nói, "Chúng ta đang ở trong một vị thế mà châu Âu háo hức với việc chuyển giao công nghệ theo hướng ngược lại".

Chia sẻ với WSJ, Ferdinand Dudenhoeffer, một chuyên gia ngành ô tô của Đức cho biết, Trung Quốc có thể sẽ sản xuất 7 triệu xe điện trong năm nay, tăng từ mức 5 triệu xe năm ngoái. Trong khi đó, Châu Âu có thể sản xuất 1,2 triệu xe trong năm nay, giảm từ mức 1,5 triệu xe năm ngoái. Lợi thế về quy mô này đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc vượt lên trước các đối thủ quốc tế trong công nghệ xe điện, bao gồm cả pin.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển tại châu Âu có thể hỗ trợ cho các nhà sản xuất châu Âu bằng cách khuyến khích nhiều người chuyển sang sử dụng xe điện và chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng sạc điện

Ngoài ra, còn thể tạo ra một lợi thế khác: Thị trường xe điện của Mỹ có thể tụt hậu so với châu Âu và Trung Quốc, với công nghệ kém và giá cao hơn.

Dudenhoeffer nhận định, nếu xét tới khả năng ông Trump tái đắc cử, thì châu Âu nên mở cửa hơn với Trung Quốc như một phương án phòng bị.

"Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ giúp chúng ta tiến nhanh hơn vào tương lai... Khu vực tăng trưởng lớn là châu Á, không phải Mỹ," ông Dudenhoeffer nhấn mạnh.


Theo Thi Anh

Đời Sống Pháp Luật

Trở lên trên