Lo sợ khủng hoảng sau dịch Covid-19, người Trung Quốc đổ xô đi tích trữ lương thực
Tỷ lệ lạm phát của mặt hàng lương thực tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng mạnh. Số liệu chính thức cho thấy giá thực phẩm trong tháng 4/2020 đã tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này là 18% trong tháng 3/2020.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã liên tục tích trữ kho dự trữ lương thực và năng lượng của mình nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng có thể xảy ra vì dịch Covid-19. Quốc gia này đã liên tục mua vào dầu mỏ trước khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng năng lượng và hạ giá dầu xuống mức thấp kỷ lục.
Vốn có dân số đông nhất nhì thế giới nhưng lượng đất nông nghiệp khả dụng lại chẳng đủ, Trung Quốc đang phải đối mặt áp lực giá lương thực ngày một tăng từ đầu năm đến nay do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Những lệnh cách ly và giới hạn đi lại đã làm ảnh hưởng đến giao thông vận tải cũng như chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Sự gián đoạn này đã kích thích một làn sóng lo sợ thiếu hụt lương thực trên cả nước. Tồi tệ hơn, làn sóng lây lan dịch Covid-19 trên toàn thế giới khiến nhiều người Trung Quốc lo lắng về một viễn cảnh khủng hoảng sau đại dịch.
"Mọi người tại Trung Quốc đang lo lắng rằng đại dịch sẽ khiến nhiều bến cảng trên thế giới ngừng hoạt động, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu lương thực. Bởi vậy họ đang cố gắng tích trữ nhu yếu phẩm khi chúng còn rẻ và có hàng. Nỗi sợ hãi là một động lực vô cùng đáng sợ. Nó hiện đang ảnh hưởng đến nhiều chính sách của Trung Quốc cũng như phong trào tích trữ lương thực của nước này", Chuyên gia kinh tế trưởng về hàng hóa Arlan Suderman của INTL FCStone nhận định.
Tăng giá
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới và đây cũng là nguồn cung protein chính cho người dân. Trong 4 tháng đầu năm nay, số liệu cho thấy tổng sản lượng nhập khẩu thịt của nước này đã tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
"Chúng tôi cho rằng việc dự trữ lương thực sẽ còn tiếp tục đặc biệt ở những thành phố có chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nỗi lo sợ thực phẩm tăng giá đi cùng những tín hiệu không khả quan về nền kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhiều khả năng sẽ làm gia tăng bất ổn xã hội", Chuyên gia phân tích Kaho Yu của Verisk Maplecfort nhận định.
Tỷ lệ lạm phát của mặt hàng lương thực tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng mạnh. Số liệu chính thức cho thấy giá thực phẩm trong tháng 4/2020 đã tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này là 18% trong tháng 3/2020.
Giá thịt lợn tháng 4 đã tăng tới 97% do tác động của dịch tả lợn cũng như dịch Covid-19. Trong khi đó, giá các mặt hàng phi thực phẩm trong tháng 4/2020 của Trung Quốc chỉ tăng 0,4%.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang khát đậu nành khi người dân cần dùng chúng cho chăn nuôi và làm dầu ăn. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng này khi Trung Quốc hiện đang là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới về đậu nành.
Trong tháng 4/2020, nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước vì thời tiết xấu cũng như sự gián đoán của các tàu hàng do dịch.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện cũng đang là nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới nhưng phần lớn chúng được tiêu thụ trong nước để nuôi 1,4 tỷ dân. Dẫu vậy nỗi lo sợ về khủng hoảng an ninh lương thực đã khiến giá ngũ cốc tại đây tăng nhanh do người dân đua nhau mua tích trữ. Chính quyền Bắc Kinh cũng tăng cường mua vào ngũ cốc nhằm đảm bảo kho dự trữ lương thực luôn sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng nếu xảy ra.
Hãng thông tấn xã quốc gia Xinhua từng thông báo trong tháng 4 rằng chính phủ đã tăng cường mua vào gạo cho kho dự trữ lương thực và hoàn toàn đảm bảo đủ nguồn cung cho dân chúng.
"Chúng tôi dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục dự trữ lương thực nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho dân chúng trong vòng 6 tháng, bởi vậy họ sẽ càn quét nguồn cung thực phẩm trên toàn cầu", Chuyên gia Yu nhấn mạnh.
Hãng tư vấn Maplecroft của chuyên gia Yu đã xếp Trung Quốc vào tình trạng rủi ro cao trong mảng an ninh nhập khẩu lương thực khi nhiều khả năng việc càn quét các nguồn cung thực phẩm của nước này trên thế giới sẽ bị gián đoạn vì dịch hay do chính sách của các nước.
Chiến lược dữ trữ
Bên cạnh lương thực, Trung Quốc cũng đang tăng cường dự trữ dầu khi số liệu cho thấy nước này đã mua vào lượng lớn dầu mỏ trong quý I/2020.
Trên thực tế, việc xây dựng những kho dự trữ năng lượng và thực phẩm đã được Trung Quốc tiến hành từ lâu nhưng chúng được tích cực thực hiện hơn trong những tháng gần đây vì đại dịch Covid-19. Trong tháng 4/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc vài lần đến an ninh lương thực và năng lượng.
Cùng thời điểm, hàng loạt các ban ngành, cơ quan nhà nước Trung Quốc cũng tập trung vào mục mục đảm bảo an ninh lương thực, duy trì sản lượng thực phẩm cũng như hậu cần trên cả nước.
"Những chính sách trên đều nhằm tới việc tránh một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, năng lượng sau đại dịch cũng như giúp Trung Quốc tiếp tục nuôi sống được người dân trong thời gian dài với bối cảnh thiếu nguồn cung. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến giao thương và hoạt động kinh tế đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng về an ninh lương thực trong dài hạn", Chuyên gia Yu nhận định.
Tổ quốc