Loại cây gia vị đắt thứ 3 thế giới: Thu hoạch cần công phu, Việt Nam trồng rất nhiều
Quy trình trồng trọt loại cây gia vị này tốn khá nhiều thời gian, tuy nhiên, Việt Nam đã trồng thành công.
Nội dung chính
|
Loại cây gia vị nổi tiếng khắp thế giới
Việt Nam được biết đến là một quốc gia mạnh về lĩnh vực gia vị, hiện có 500.000 ha trồng các loại cây gia vị, cùng với sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp cùng hàng trăm nghìn hộ gia đình vào sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nắm giữ vị thế hàng đầu thế giới về sản lượng và xuất khẩu một số loại gia vị khác như ớt, đinh hương, gừng, nghệ, bạch đậu khấu cũng đóng vai trò quan trọng.
Đặc biệt, bạch đậu khấu là một trong những gia vị đắt giá nhất thế giới, đứng thứ ba sau nhụy hoa nghệ tây và vani.
Trong nửa đầu năm nay, theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 1.554 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, thu được 12,6 triệu USD. Đây là sự giảm 4,3% về sản lượng và giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hai công ty dẫn đầu về xuất khẩu là Nedspice Việt Nam và Olam Việt Nam. Trong năm 2023, tổng sản lượng xuất khẩu của nhóm mặt hàng này là 3.551 tấn, với doanh thu đạt 27,4 triệu USD, tăng 36,5% về lượng nhưng giảm 15,4% về giá trị kim ngạch. Hà Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất, với các con số tương ứng là 923 tấn, 756 tấn và 484 tấn.
Bạch đậu khấu mang hương vị cay nhẹ và thơm mát, thường xuyên được sử dụng trong chế biến các món ăn hay làm nguyên liệu cho món tráng miệng. Được biết đến với biệt danh "bà hoàng của các loại gia vị", bạch đậu khấu không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dược liệu này chứa khoảng 2,4% tinh dầu với các thành phần chính gồm bomeol, caryophyllene, eucalyptole, carvone, terpinene, humulene, sabinene, pinene, laurelene, camphor, myrtenal, v.v.
Một nghiên cứu của Texas A&M University ở Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng bạch đậu khấu có thể được xem như là một "siêu thực phẩm" với khả năng hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh và giảm mỡ hiệu quả. Nghiên cứu do Giáo sư Luis Cisneros-Zevallos của Trường Đại học Khoa học Đời sống và Nông nghiệp Texas A&M và Texas A&M AgrLife làm trưởng nhóm cho thấy bạch đậu khấu không chỉ kích thích khẩu vị mà còn có tác dụng giảm cân và chống viêm.
Quy trình trồng trọt, thu hoạch công phu
Cây bạch đậu khấu còn có các tên gọi khác như bạch khấu xác, xác khấu, đới xác khấu, và mang tên khoa học là Amomum Repens Sonner, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Loại cây gia vị này được trồng nhiều các nước như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Nam Mỹ,... Loài này được (L.) Maton mô tả khoa học đầu tiên năm 1811.
Loại gia vị này rất phổ biến ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á, đồng thời cũng rất được ưa thích trong nền văn hóa ẩm thực của khu vực Trung Đông và Ả Rập.
Cây có chiều cao từ 2 đến 3 mét, với rễ thân lan ngang có độ rộng bằng ngón tay; lá dài khoảng 55 cm, rộng 6 cm, hình mũi mác hoặc dạng dải, nhọn ở cả hai đầu, mặt trên nhẵn và mặt dưới có lông tản mát; hoa màu trắng tím, mọc thành từng cụm ở gốc thân mang lá, cụm hoa dài khoảng 40 cm. Mỗi cuống hoa ngắn chứa 3 đến 5 bông hoa.
Quả hình cầu dẹt, đường kính từ 1 đến 1,5 cm, thường có 3 múi, bên ngoài màu trắng với vân dọc. Mỗi quả chứa từ 20 đến 30 hạt được gọi là khấu mễ hoặc khấu nhân, trong đó hạt bạch đậu khấu giàu tinh dầu. Vỏ quả giòn dễ nứt để lộ hạt bên trong, và phần vỏ bóc ra được gọi là Đậu khấu xá, có mùi thơm nhẹ.
Hoa và quả của cây bạch đậu khấu được sử dụng làm nguyên liệu cho các bài thuốc. Người ta thu hái quả khi nó bắt đầu chuyển màu từ xanh sang vàng, vào mùa thu và chỉ thu hái ở những cây có độ tuổi từ 3 năm trở lên. Công việc thu hoạch này rất công phu, cần phải thực hiện thủ công. Quả thu hoạch phải chín tới khoảng 70% và được tuyển chọn cẩn thận để tránh quả bị hư hại do côn trùng hoặc nấm. Sau khi hái, quả được phơi khô dưới bóng râm và cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Quả bạch đậu khấu sau khi khô, cắt bỏ cuống và được xông hơi với diêm sinh cho đến khi vỏ ngoài trở nên trắng. Sản phẩm cuối cùng có thể lưu trữ được nhiều năm và chỉ cần lấy phần nhân ra và giã nát trước khi sử dụng.
Đời sống và Pháp luật