MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại cây mọc hoang dại nhiều nơi, được ví 'tốt như sâm', giúp bổ phổi, trị ho

21-10-2023 - 15:52 PM | Sống

Cây bách bộ là một trong những vị thuốc quý, mọc hoang ở rất nhiều nơi, tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Cây chứa nhiều dược tính, được nhiều người ví 'tốt như sâm'.

Mắc dù tác dụng dược lý của cây bách bộ rất lớn nhưng có rất ít người biết sử dụng vị thuốc này.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, trong Y học Cổ truyền, cây bách bộ có vị ngọt đắng, tính hơi ôn, quy kinh vào phế. Công năng giúp nhuận phế, sát trùng và chỉ khái. Chủ trị ho bởi nguyên nhân hư lao, thường được sử dụng trong hỗ trợ điều trị lao phổi, viêm khí quản mạn tính, ho gà, giun kim, giun đũa…

Ở mỗi vùng miền, cây bách bộ lại có tên gọi khác nhau như: Đẹt ác, Dây ba mươi, Bà Phụ Thảo, Bách Nãi, Dã Thiên Môn Đông, Vương Phú, Thấu Dược, Bà Tế, Bách Điều Căn, Bà Luật Hương, Man Mách Bộ, Bách Bộ Thảo, Cửu Trùng Căn, Cửu Thập Cửu Điều Căn…

Theo bác sĩ Vũ, cây bách bộ được xếp vào nhóm cây thuốc quý mọc hoang dại khắp nơi, đặc biệt là ở những vùng đồi núi.

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ, rễ thường cong queo dài từ 5-25cm đường kính từ 0,5-1,5cm. Đầu trên hơi phình to, đầu dưới thuôn nhỏ dần.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cây bách bộ có tác dụng kháng vi trùng, diệt ký sinh trùng, làm giảm ho do ức chế phản xạ ho. Cây bách bộ đã được thí nghiệm chữa lao hạch và đạt kết quả tốt.

Loại cây mọc hoang dại nhiều nơi tốt ví như sâm bổ phổi, trị ho - Ảnh 1.

Cây bách bộ (ảnh ST).

Một số bài thuốc từ cây bách bộ như:

- Trị ho dữ dội: rễ cây bách bộ, gừng sống, giã lấy nước, 2 vị bằng nhau, sắc uống 2 chén hoặc rễ cây bách bộ ngâm rượu, ngày uống 1 chén, ngày uống 3 lần.

- Trị ho lâu năm: Bách bộ (rễ) 20kg, giã vắt nước, sắc lại cho dẻo quánh. Mỗi lần uống 1 muỗng canh, ngày uống 3 lần.

- Trị ho nhiều: Dùng Bách bộ (cả dây lẫn rễ), giã vắt lấy nước cốt, trộn với mật ong, 2 thứ bằng nhau. Nấu thành cao, ngậm nước nuốt từ từ.

- Trị ho không dứt: Bách bộ (củ rễ), hơ trên lửa nướng cho khô, mỗi lần lấy một lượng vừa đủ dùng, ngậm nhai nuốt nước bỏ bã.

- Trị trẻ nhỏ ho do hàn: Bách bộ sao, Ma hoàng khử mắt, mỗi thứ 30g, tán bột. Hạnh nhân (bỏ vỏ, bỏ đầu nhọn) sao, bỏ vào nước thật sôi, vớt ra, nghiền bột, cho thêm mật ong vào nặn viên bằng hạt. Mỗi lần uống 23 viên với nước nóng.

- Trị ho do cảm mạo, ngứa họng, đờm ít: Bách bộ 16g, Kinh giới 12g, Bạch tiền 12g, Cát cánh 12g, sắc uống.

- Trị lao phổi: Bách bộ 20g, Hoàng cầm 10g, Đơn bì 10g, Đào nhân 10g, sắc đặc còn 60ml, uống ngày 1 thang, dùng liên tục 2 - 3 tháng.

- Trị ho do lao phổi, do phế nhiệt: Bách bộ 640g, Sa sâm 640g, đổ 10 cân nước sắc bỏ bã, trộn với 640g mật ong, nấu nhỏ lửa cho thành cao. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8ml.

- Trị ho, suyễn, khí quản viêm mãn tính: Bách bộ 20g, Miên hoa căn 5 cái, Ma hoàng 8g, Đại toán 1 củ, sắc uống.

- Trị ho gà: Bách bộ 10 - 15g, sắc uống. Hoặc dùng bài thuốc Bách bộ 12g, Bạch tiền 12g, Cam thảo 4g, Đại toán 2 tép, sắc uống với đường, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tục 3 - 4 ngày.

Theo bác sĩ Vũ, bách bộ là một vị thuốc do vậy nếu muống sử dụng hiệu quả, mọi người nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn. Khi dùng cây bách bộ cần lưu ý không dùng cho người tỳ hư, tiêu chảy vì vị thuốc này dễ làm thương tổn tới vị, có tính hoạt trường.

Theo Ngọc Minh

Phụ nữ số

Trở lên trên