Loại quả của Việt Nam nhiều vô kể nhưng được ví như "vàng xanh" tại New Zealand, giá gần 1 triệu đồng/kg
Trong khi tại thị trường Việt Nam, loại quả này chỉ có giá vài nghìn đồng/kg thì khi xuất ngoại đã lên đến gần 1 triệu đồng mỗi kg.
Hình minh họa
Ngày 15/11/2022, trong khuôn khổ Đối thoại và triển lãm "AgriConnectioNZ: Đối tác chiến lược trong nông nghiệp" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - An ninh sinh học - Thông tin đất đai và Các vấn đề nông thôn New Zealand tổ chức, Việt Nam đã ký thỏa thuận cho trái chanh xanh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường New Zealand.
Quả chanh các loại Citrus aurantiifolia, Citrus latifolia, Citrus limon, Citrus limonia của Việt Nam được phép nhập khẩu vào New Zealand kể từ ngày 15/11/2022.
Trong một chia sẻ mới đây, Đại sứ Tredene Dobson cho biết, các nhà hàng Việt Nam rất phổ biến tại New Zealand. "Người dân ở đây cũng yêu thích ẩm thực Việt. Điều đó tạo điều kiện cho các thực phẩm xuất khẩu sang đây, nhất là những nguyên liệu mà New Zealand không sản xuất như gạo, cà phê", bà cho hay.
Theo bà Tredene Dobson, chanh Việt Nam từng được ví như "vàng xanh" ở New Zealand vì giá bán tương đối cao. Do không thể trồng được, 1 kg chanh tại đây thường có giá hơn 50 NZD, tương đương 31,1 USD (khoảng 750.000 đồng).
Để xuất khẩu chanh sang thị trường này, chanh phải đáp ứng các yêu cầu về vùng trồng và cơ sở đóng gói được đăng ký mã số với Cục Bảo vệ thực vật và Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho phía New Zealand. Vườn trồng được quản lý dịch hại. Trái cây được rửa và chải sau khi thu hoạch.
Trái cây không nhiễm đối tượng sinh vật gây hại phía New Zealand quan tâm. Sản phẩm được chiếu xạ với liều tối thiểu 400 Gy. Các lô hàng xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, trong đó có phần khai báo bổ sung.
Hình minh họa
Chanh không hạt cho trái quanh năm, có thể cho năng suất từ 150 – 200 kg/năm/cây. Tại Việt Nam, chanh là loại gia vị rất phổ biến, không thể thiếu tại các nhà hàng. Giá chanh tại Việt Nam rất rẻ, chỉ vài nghìn đồng cho đến hơn chục nghìn đồng mỗi kg.
Long An là thủ phủ của chanh, ước tính, sản lượng trồng tại tỉnh này chiếm đến 1/6 tổng sản lượng của cả nước. Trang trại chanh lớn nhất Việt Nam cũng nằm tại tỉnh này.
Trang trại chanh này nằm tại huyện Bến Lức, thuộc sở hữu của Công ty Chanh Việt (Chavi) do ông Nguyễn Văn Hiển làm Chủ tịch HĐQT. Trang trại này có diện tích trồng hơn 150ha chanh không hạt, theo phương pháp hữu cơ và tuân thủ các quy chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất của châu Âu như GlobalGAP, HACCP… Trái chanh ở đây được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Mỹ, Na Uy.
Cùng với việc xuất khẩu chanh tươi, công ty đã đầu tư máy móc thiết bị cũng như thị trường tiêu thụ để chế biến ra những sản phẩm từ chanh và đã thành công với nhiều sản phẩm như: bột chanh, bột nước cốt chanh, trà chanh, sốt chanh, lát chanh sấy, vỏ chanh sấy, tinh dầu chanh…
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu trái cây tươi đạt khoảng 2,099 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất khẩu sản phẩm chế biến đạt hơn 1,013 tỷ USD, tăng 9,8%; xuất khẩu rau củ đạt 252,4 triệu USD, giảm 1,8%; hoa đạt 66,903 triệu USD, tăng 8,1%; lá đạt 8,099 triệu USD, giảm 9,5%.
Năm 2023 sẽ là một năm khả quan cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Với việc nhiều thị trường mở cửa cho mặt hàng trái cây tươi Việt Nam, dự đoán trong niên vụ mới, xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi có nhiều khởi sắc. Năm nay, dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam ra thị trường quốc tế có thể đạt 4 tỷ USD.
Nhịp sống thị trường