MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loãng xương: Thầm lặng, nguy hiểm, ở Việt Nam chỉ 1%-5% bệnh nhân gãy xương được điều trị!

28-05-2019 - 20:34 PM | Sống

Ở các nước như Mỹ và Úc, chỉ có 30% bệnh nhân gãy xương được điều trị đúng mức. Nghiên cứu của chúng tôi ở Việt Nam cho thấy chỉ có 1%-5% bệnh nhân gãy xương được điều trị!

Loãng xương là căn bệnh tương đối phổ biến ở phụ nữ mãn kinh và nam giới trên 60 tuổi. Theo nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc labo nghiên cứu cơ xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, Trưởng labo di truyền loãng xương của Viện nghiên cứu y khoa Garvan thuộc Bệnh viện St Vincent's (Úc), thì tại TP HCM, cứ 10 phụ nữ mãn kinh có 3 người bị loãng xương; và cứ 10 nam trên 60 tuổi có 1 người bị loãng xương.

Đây là căn bệnh thầm lặng nhưng lại khiến gia tăng nguy cơ gây tử vong.

Còn theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện Dinh Dưỡng quốc gia, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương.

Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 2 bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn về những nguy cơ gãy xương và cách điều trị.

---------------

Bà X nhập viện vì bị gãy xương cổ tay và cổ xương đùi, do bị té trong phòng tắm. Bà năm nay 71 tuổi, không có tiền sử gia đình gãy xương, và mật độ xương của bà (đo năm ngoái) cho thấy bà không bị loãng xương. Bà phải nằm viện 9 ngày và tốn hơn 25.000 USD (khoảng 550 triệu đồng) cho điều trị và các dịch vụ. Nhưng, ngay cả sau khi xuất viện về nhà, bà vẫn cảm thấy đi đứng không bình thường như trước và chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, tại TP HCM, cứ 10 phụ nữ mãn kinh thì có 3 người bị loãng xương; và cứ 10 nam trên 60 tuổi, có 1 người bị loãng xương. Tỷ lệ mắc bệnh này rất tương đương với các quần thể người Âu Mỹ. Loãng xương ảnh hưởng đến nữ nhiều hơn nam.

Loãng xương và gãy xương

Điều đáng chú ý là đa số các cá nhân bị loãng xương không biết họ bị loãng xương. Lý do là loãng xương không có triệu chứng cụ thể. Đau lưng có khi được nhầm lẫn là loãng xương, nhưng trong thực tế rất ít người bị đau lưng là loãng xương.

Ngoài ra, nhiều người còn lẫn lộn giữa thoái hóa khớp và loãng xương, nhưng hai bệnh lý này rất khác nhau. Chỉ khi nào bệnh nhân bị gãy xương như trường hợp trên thì mới biết mình bị loãng xương.

 Loãng xương: Thầm lặng, nguy hiểm, ở Việt Nam chỉ 1%-5% bệnh nhân gãy xương được điều trị! - Ảnh 1.

Minh họa xương bình thường (hình bên trái) có cấu trúc đặc; xương của người bị loãng xương (bên phải) cấu trúc của xương bị suy thoái. Khi cấu trúc xương bị suy thoái, sức chịu đựng của xương cũng bị suy giảm theo, và xương dễ bị gãy khi va chạm một lực dù rất nhẹ. Nguồn: Webmed.

Gãy xương đốt sống

Gãy xương là hệ quả của bệnh lý loãng xương. Cũng giống như đột quỵ là hệ quả của cao huyết áp, gãy xương là một biểu hiện của chứng loãng xương. Tuy xương nào trong cơ thể cũng có thể bị gãy, nhưng những xương thường hay bị gãy nhất là xương hông, xương đốt sống, xương tay, và xương sườn.

Gãy xương đốt sống thường được phát hiện qua X-quang và phát hiện tình cờ. Nghiên cứu của chúng tôi ở người Việt, có chừng 20% nam và nữ trên 50 tuổi bị gãy ít nhất một đốt sống thắt lưng. Gãy xương đốt sống làm suy giảm chiều cao (so với tuổi thanh niên 20-30 tuổi). Do đó, giảm chiều cao là một chỉ dấu của gãy xương đốt sống.

 Loãng xương: Thầm lặng, nguy hiểm, ở Việt Nam chỉ 1%-5% bệnh nhân gãy xương được điều trị! - Ảnh 2.

Gãy cổ xương đùi. Đây là một dạng gãy xương do loãng xương, và rất nguy hiểm, vì 1/5 bệnh nhân tử vong sau 1 năm gãy xương. Nguồn: medicalexpress.

Gãy cổ xương đùi (hông) là rất nghiêm trọng

Trái lại với suy nghĩ của nhiều người, gãy xương làm gia tăng nguy cơ tử vong. Gãy xương, đặc biệt là gãy xương hông (xương đùi), làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân rất nghiêm trọng. Cứ 10 người gãy cổ xương hông thì có 2 người sẽ bị tử vong trong vòng 12 tháng. Nam giới bị gãy xương hông có nguy cơ tử vong cao hơn nữ giới.

 Loãng xương: Thầm lặng, nguy hiểm, ở Việt Nam chỉ 1%-5% bệnh nhân gãy xương được điều trị! - Ảnh 3.

Gãy xương đốt sống thắt lưng. Đa số (70%) bệnh nhân bị gãy xương đốt sống nhưng không có triệu chứng. Nguồn: radiopedia.

Nhưng không phải chỉ xương hông, gãy xương cột sống thắt lưng, xương sườn và xương chậu cũng gia tăng nguy cơ tử vong. Một nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cho thấy nguy cơ tử vong ở bệnh nhân gãy xương sườn cao gấp 5 lần so với người không bị gãy xương! Nguy cơ tử vong thường cao trong 12 tháng đầu sau gãy xương, nhưng nếu bệnh nhân sống sót qua 5 năm thì nguy cơ tử vong trở lại 'bình thường'.

Điều trị

Loãng xương là bệnh có thể điều trị, và điều trị kịp thời có thể giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, có nhiều thuốc được giới chức FDA (Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Hoa Kỳ) phê chuẩn cho điều trị loãng xương ở bệnh nhân mãn kinh. Các thuốc này bao gồm bisphosphonates (như alendronate, zoledronate, risedronate) có thể giảm nguy cơ gãy xương chừng 50%-70%.

Nhưng quan trọng hơn, các thuốc này cũng giảm nguy cơ tử vong sau gãy xương, và mức độ giảm là khoảng 30%.

Vài năm gần đây các bác sĩ còn có thêm một loại thuốc mới được phê chuẩn cho điều trị loãng xương. Hai loại thuốc mới đáng chú ý nhất là Denosumab và Romosozumab.

Denosumab là một kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) được thiết kế để ngăn chận sự hình thành các tế bào hủy xương. Nghiên cứu trên bệnh nhân loãng xương cho thấy denosumab giảm nguy cơ gãy xương cột sống đến 68%, một hiệu quả chưa thấy trước đây đối với các thuốc khác. Ngoài ra, denosumab xem ra còn có hiệu quả giảm mất xương ở bệnh nhân ung thư. Một số nghiên cứu mới nhất năm qua cho thấy denosumab có vẻ có hiệu quả hơn các thuốc cũ.

Romosozumab là một liệu pháp mới nhất và đáng chú ý nhất. Đáng chú ý là vì tuyệt đại đa số thuốc cũ (kể cả denosumab) có chức năng ức chế các tế bào hủy xương, nhưng romosozumab được thiết kế để tăng các tế bào tạo xương. Có thể nói rằng trong 15 năm qua romosozumab là thuốc duy nhất có chức tăng tặng tế bào tạo xương.

Một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá romosozumab trên 7.180 phụ nữ mãn kinh và loãng xương đã được thực hiện, và sau 2 năm điều trị romosozumab họ giảm nguy cơ gãy xương cột sống 75%. Chuyên ngành loãng xương lại có thêm một loại thuốc mới có hiệu quả rất cao đề ngăn chặn tình trạng mất xương và giảm nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân loãng xương.

Tuy nhiên, một xu hướng đáng ngại hiện nay là rất ít bệnh nhân gãy xương và loãng xương được điều trị. Tất cả các hiệp hội chuyên ngành loãng xương, nội tiết, thấp khớp, v.v. đều khuyến cáo nên điều trị bệnh nhân gãy xương để giảm nguy cơ gãy xương lần hai và giảm nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, ở các nước như Mỹ và Úc, chỉ có 30% bệnh nhân gãy xương được điều trị đúng mức. Nghiên cứu của chúng tôi ở Việt Nam cho thấy chỉ có 1%-5% bệnh nhân gãy xương được điều trị!

Đáng ngại nhất là bệnh nhân gãy xương hông và xương cột sống thắt lưng không được điều trị. Đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nhất. Không chỉ tử vong, các bệnh nhân này cũng có nguy cơ gãy xương lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba rất cao.

Nhưng một nghiên cứu tại một bệnh viện lớn ở TPHCM cho thấy không có bệnh nhân gãy cổ xương đùi nào được điều trị! Có thể xem đây là một sự khủng hoảng trong việc quản lý các bệnh nhân loãng xương và gãy xương.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là Giáo sư xuất sắc và Giám đốc labo nghiên cứu cơ xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, và Giáo sư danh dự của Đại học Dược Hà Nội.

Ở Úc, ông là Senior Principal Fellow (chức danh cao nhất trong hệ thống khoa học Úc) và trưởng labo di truyền loãng xương của Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Giáo sư Trường Y, Đại học New South Wales (UNSW Sydney) và Giáo sư Y khoa Tiên lượng (Predictive Medicine) thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông đã công bố hơn 300 công trình nghiên cứu trên các tập san nổi tiếng trên thế giới, kể cả Nature, Science, JAMA, BMJ, Lancet, và New England Journal of Medicine.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là một trong những nhà nghiên cứu y khoa được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ông được trao nhiều giải thưởng ở nước ngoài và trong nước về những thành tích khoa học và giáo dục. Năm 2018, ông được bầu làm Fellow của American Society for Bone and Mineral Research (Hiệp hội nghiên cứu xương Hoa Kỳ).

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc)

Trí thức trẻ

Trở lên trên