MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt chủ tịch doanh nghiệp vướng vòng lao lý vì thu lời bất chính hàng trăm, nghìn tỷ đồng

08-01-2024 - 10:39 AM | Bất động sản

Trong năm 2023 hàng loạt chủ tịch doanh nghiệp bị khởi tố, bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh thu lời bất chính hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Tháng 12/2023, VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan- Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra ở ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.

Các bị can bị truy tố về 7 tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 353; khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Loạt chủ tịch doanh nghiệp vướng vòng lao lý vì thu lời bất chính hàng trăm, nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Cáo trạng xác định, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan thâu tóm từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, qua đó nắm quyền chỉ đạo, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động Ngân hàng SCB để phục vụ các mục đích của mình.

Trương Mỹ Lan chỉ đạo thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt của SCB, thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn Công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều Doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.

Đồng thời, nhóm các bị can thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ...

Cơ quan điều tra xác định, Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD) của Ngân hàng SCB (được xác định là tiền của người dân và khách hàng gửi). Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Tổng cộng thiệt hại là hơn 415.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Capella Holdings Nguyễn Cao Trí

Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của đại gia Nguyễn Cao Trí (SN 1970, quê Lâm Đồng, trú tại TP.HCM).

Ông Nguyễn Cao Trí được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) với hệ sinh thái 28 công ty con bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Văn Lang có 7 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục.

Cáo trạng xác định, từ năm 2017-2020, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, đã hợp tác với Nguyễn Cao Trí để đầu tư dự án, mua cổ phần một số công ty của ông Trí.

Theo thỏa thuận, ông Trí đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan, thông qua những người giúp việc của bà Lan với tổng cộng 1.000 tỷ đồng.

Loạt chủ tịch doanh nghiệp vướng vòng lao lý vì thu lời bất chính hàng trăm, nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella Nguyễn Cao Trí

Trong đó, ông Trí và bà Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD. Bà Lan đã thanh toán cho ông Trí số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng hơn 476 tỷ đồng để mua 31,22% vốn điều lệ ông Trí đang sở hữu.

Do số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm, ông Trí và bà Lan thống nhất ký "hợp đồng ủy thác đầu tư" và để ông Hồ Quốc Minh (là người quen, môi giới của bà Lan) cùng người thân quen của ông Trí đứng tên trên hợp đồng.

Tiếp đó, bà Lan thỏa thuận với ông Trí mua 100% vốn điều lệ CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng hơn 463 tỷ đồng.

Thực tế, ông Trí khai nhận 1 triệu USD, tương ứng hơn 23 tỷ đồng và 127 tỷ đồng tiền Việt Nam Đồng; còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.

Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan còn thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí. Bà Lan đã 2 lần thanh toán cho ông Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng hơn 220 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cho hay, nhiều khoản tiền đầu tư và vay giữa hai bên không có giấy tờ, biên nhận. Vì vậy, tháng 1/2021, ông Trí gặp bà Lan để thống nhất chốt các khoản đầu tư mà ông Trí nhận của bà Lan, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng cho 1.000 tỷ đồng, Trí thống nhất chuyển nhượng cho Lan 10% vốn điều lệ tại Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang và thống nhất với Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần.

Sau khi bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, đến cuối tháng 10/2022, ông Trí chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với Trương Mỹ Lan.

Tiếp đó, ông Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 10% vốn điều lệ từ ông Hồ Quốc Minh sang em trai ông Trí và nhân viên kế toán Công ty Văn Lang. Cùng với đó, ông Trí yêu cầu ông Hồ Quốc Minh ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp.

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Cao Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng mà không trao đổi với bà Lan, nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, chiếm đoạt tiền đã nhận từ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu giữ tài sản khi khám xét (trên 93 tỷ đồng), kê biên 7 bất động sản do vợ chồng ông Trí đứng tên (tổng trị giá hơn 266 tỷ đồng) và gia đình đại gia này đã nộp hơn 640 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả; tổng cộng trên 1.001 tỷ đồng.

Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (sinh năm 1953, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương (sinh năm 1981) và Trần Ngọc Bích (sinh năm 1984, cùng ngụ quận Bình Thạnh, tạm trú tỉnh Bình Dương) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng trong Bộ luật Dân sự, ông Trần Quí Thanh và hai con gái đã cho một số người vay lấy lãi. Việc cho vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Loạt chủ tịch doanh nghiệp vướng vòng lao lý vì thu lời bất chính hàng trăm, nghìn tỷ đồng - Ảnh 3.

Ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương (trái), Trần Ngọc Bích (phải)

Cụ thể, từ tháng 1/2019 đến 11/2020, Chủ tịch Tân Hiệp Phát và các đồng phạm đã thực hiện 4 hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của 4 bị hại với các tài sản gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất 452 của anh Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của anh Nguyễn Huy Đông. Tổng giá trị các tài sản là 767 tỷ đồng.

Năm 2019, do khó khăn nên bà Oanh gặp ông Trần Quí Thanh vay 500 tỷ đồng nhưng được yêu cầu phải làm hợp đồng chuyển nhượng lại 2 dự án trên; khi nào có trả tiền sẽ được hoàn lại.

Khi cho vay, ông Trần Quí Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc bên vay phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế.

Sau đó, cha con ông Trần Quí Thanh ký các “cam kết bán lại”, tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản, hứa hẹn thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản.

Nhóm bà Oanh sau đó làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích theo chỉ đạo của ông Trần Quí Thanh. Năm 2020, bà Oanh xin lấy lại các dự án nhưng phía ông Trần Quí Thanh không đồng ý nên nữ đại gia làm đơn tố cáo.

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Trần Quí Thanh đã lợi dụng việc cho vay để chiếm đoạt 2 dự án trên, gây thiệt hại cho bà Đặng Thị Kim Oanh số tiền 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Thanh còn bị cáo buộc chiếm đoạt 35 thửa đất của 3 cá nhân khác, gây thiệt hại tổng cộng khoảng 167 tỷ đồng.

Được biết, ông Trần Quí Thanh và con gái Trần Uyên Phương bị khởi tố, tạm giam từ đầu tháng 4/2023 đến nay. Riêng bị can Trần Ngọc Bích được giải quyết cho tại ngoại.

Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng

Cuối tháng 11/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thông tin về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Khánh Hưng (SN 1978), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG (mã LDG) về tội Lừa dối khách hàng.

Ông Hưng được xác định có liên quan đến vụ xây dựng trái phép 680 căn biệt thự, nhà liền kề (khu dân cư Tân Thịnh) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai do Đầu tư LDG làm chủ đầu tư.

Loạt chủ tịch doanh nghiệp vướng vòng lao lý vì thu lời bất chính hàng trăm, nghìn tỷ đồng - Ảnh 4.

Công an Đồng Nai đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Khánh Hưng

Hồi tháng 5/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Dự án khu dân cư Tân Thịnh.

Đến tháng 11/2023, cơ quan điều tra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về hành vi Lừa dối khách hàng xảy ra tại dự án khu dân cư Tân Thịnh nói trên.

Ông chủ Apec group Nguyễn Đỗ Lăng

Cuối tháng 6/2023, Công an TP.Hà Nội thông tin về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán; xảy ra tại CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015 gồm:

Nguyễn Đỗ Lăng, sinh năm 1974, trú tại 12AT3 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông Lăng là Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã: APS).

Loạt chủ tịch doanh nghiệp vướng vòng lao lý vì thu lời bất chính hàng trăm, nghìn tỷ đồng - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng là người sáng lập nhóm Apec group

Huỳnh Thị Mai Dung, sinh năm 1975, trú Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng).

Phạm Duy Hưng, sinh năm 1979, trú ngõ 136 Nguyễn An Ninh, phường Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội. Ông Hưng là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.

Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1981, trú tại Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội - Kế toán trưởng CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.

Phạm Thị Đức Việt, sinh năm 1982, trú tòa N01 T5 Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội - Phó phòng dịch vụ khách hàng CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.

Theo Hà Ly

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên