Loạt dự án cao tốc giải ngân vốn đạt trên 86.000 tỉ đồng
Kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có các dự án cao tốc đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn tỉ lệ bình quân chung của cả nước
Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng kế hoạch năm 2023.
Theo đó, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-12-2023 là 579.848,8 tỉ đồng, đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.686 tỉ đồng (đạt 56,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo Bộ Tài chính, các dự án giao thông trọng điểm là điểm sáng giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Cơ quan này cho biết đến hết ngày 30-11-2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; Dự án Vành đai 4 TP Hà Nội; Dự án Vành đai 3 TP HCM; Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành) là 86.287,75 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 68,5% kế hoạch năm 2023.
Bộ Tài chính cho biết kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn tỉ lệ bình quân chung 11 tháng của cả nước. Tại báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, theo Bộ Tài chính, phần mặt bằng còn lại mặc dù không lớn nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực đất ở (vướng mắc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, chưa hoàn thành khu tái định cư...).
Các công trình đường điện cao thế kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; một số địa phương giao chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời đường điện cho các huyện trong khi năng lực cán bộ còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến tiến độ.
Khan hiếm vật liệu làm cao tốc
"Việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực đã xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá... (đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long)"- Bộ Tài chính nêu rõ.
Công tác triển khai thi công của một số dự án chậm so với kế hoạch đề ra như tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đến tháng 10-2023 mới ký hợp đồng và triển khai thi công dự án Vành đai 4 Hà Nội; tỉnh Đồng Nai chưa thi công gói thầu thuộc Vành đai 3 TP HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu; tỉnh Sóc Trăng mới thi công 1 gói trong số 4 gói thuộc dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, các tỉnh đã khởi công các gói thầu đầu tiên trong tháng 6/2023, tuy nhiên khối lượng thực hiện còn thấp do chưa hoàn thành các thủ tục về khai thác vật liệu xây dựng. Theo Bộ Tài chính, nếu không quyết liệt, tích cực triển khai sẽ rất khó hoàn thành tiến độ dự án theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội.
Ngoài ra, qua theo dõi của Bộ Tài chính, các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được UBND các tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản phê duyệt vượt so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội phê duyệt (tổng mức đầu tư của 4 dự án thành phần được phê duyệt là 44.814,3 tỉ đồng, cao hơn 123,3 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội phê chuẩn là 44.691 tỉ đồng).
Người Lao Động