MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt ông lớn châu Âu mệt mỏi vì Ukraine, Tổng thống Mỹ Biden chật vật giữ thế trận ủng hộ Kyiv

21-10-2024 - 20:50 PM | Tài chính quốc tế

Loạt ông lớn châu Âu mệt mỏi vì Ukraine, Tổng thống Mỹ Biden chật vật giữ thế trận ủng hộ Kyiv

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra rất ngắn, chỉ trong một ngày 18/10.

Nhưng theo hãng tin BBC (Anh), Tổng thống Mỹ Biden đã tận dụng từng phút ở Berlin để cố gắng làm rõ rằng ông vẫn có tham vọng lớn trên trường thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và Ukraine, trong những tháng cuối trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2025.

Quốc phòng châu Âu là nền tảng trong chính sách đối ngoại của ông Biden, hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Donald Trump - hiện là ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2024.

Loạt ông lớn châu Âu mệt mỏi vì Ukraine, Tổng thống Mỹ Biden chật vật giữ thế trận ủng hộ Kyiv- Ảnh 1.

Để ghi nhận những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã trao tặng ông Biden danh hiệu cao quý nhất của đất nước mình: Huân chương Grand Cross đặc biệt. Ảnh: AFP

BBC đưa tin, xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 là cuộc chiến tồi tệ nhất mà châu Âu này từng trải qua kể từ Thế chiến II. Và cũng giống như 80 năm trước, lục địa này đã trông cậy vào Mỹ để có được sự lãnh đạo phối hợp và hỗ trợ quân sự.

Trong chuyến thăm Đức, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh rằng cần phải làm nhiều hơn nữa: "Chúng ta phải tiếp tục cho đến khi Ukraine giành được một nền hòa bình công bằng và lâu dài... Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình."

Nhưng nhiều điều sẽ phụ thuộc vào người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.

Châu Âu đã dựa vào viện trợ quân sự của Mỹ để giúp Ukraine. Berlin là nhà tài trợ lớn thứ hai của Kyiv sau Washington, mặc dù nguồn tài trợ này không đáng kể so với đồng minh bên kia Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, BBC nhận định, những ngày hào phóng của Mỹ với Ukraine dự kiến sẽ kết thúc ngay khi ông Biden rời Nhà Trắng.

Ngay cả khi ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo, Quốc hội nước này được cho là có khả năng sẽ chuyển sang các ưu tiên chính sách đối ngoại khác, chẳng hạn như Trung Quốc và vấn đề Đài Loan.

Đối với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ 2016-2020 của ông, mối quan hệ với các thành viên NATO đã diễn ra đầy biến động. Ông Trump cũng chưa công khai ủng hộ Kyiv trong cuộc xung đột với Nga, thậm chí ông có xu hướng phản đối việc gia tăng viện trợ của Mỹ cho Ukraine.

Châu Âu có thực sự quyết tâm?

Theo BBC, mặc dù có nhiều cuộc trao đổi trong giới chức NATO về việc quốc phòng châu Âu "chống Trump" trước cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó thực sự diễn ra, hoặc rằng châu Âu sẽ có thể "tự mình hành động" và thành công nếu phải làm như vậy.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết về "Zeitenwende" (bước ngoặt mang tính lịch sử) - nơi đất nước của ông sẽ vượt qua cái bóng của quá khứ và đầu tư mạnh mẽ vào quân đội để đóng góp đầy đủ cho quốc phòng chung của các đồng minh NATO. Nhưng kế hoạch cải tổ quân đội của Đức vẫn đang gặp khó. Chính phủ nước này thậm chí còn chưa nhất trí về ngân sách quốc phòng trong tương lai.

Trong tuần qua, các lãnh đạo tình báo Đức đã cảnh báo rằng việc Nga tiếp tục đầu tư vào quân đội sẽ cho phép nước này có thể tấn công NATO vào cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, BBC dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết, Tổng thống Mỹ Biden lo ngại về quyết tâm của châu Âu, với những dấu hiệu lan rộng "sự mệt mỏi Ukraine" khi các đồng minh ở châu Âu vật lộn với những thách thức trong nước của riêng họ.

Trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, Thủ tướng Đức Scholz đang chịu áp lực đáng kể trong nước từ phe cực hữu và cực tả.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đang đối mặt với những khó khăn chính trị tại quê nhà.

Loạt ông lớn châu Âu mệt mỏi vì Ukraine, Tổng thống Mỹ Biden chật vật giữ thế trận ủng hộ Kyiv- Ảnh 2.

Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (từ trái sang phải) tại Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

Hôm 18/10, Tổng thống Biden đã có mặt tại Berlin để họp bàn với Thủ tướng Đức Scholz, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - các nhà tài trợ lớn cho Ukraine.

Bốn nhà lãnh đạo của các cường quốc NATO này cũng đã thảo luận về Iran và vấn đề Trung Đông nói chung.

Về Ukraine, thông cáo chung của họ đã nhắc lại quyết tâm tiếp tục hỗ trợ Kyiv.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, ông và các nhà lãnh đạo khác đã thảo luận về "năng lực bổ sung nào, thiết bị bổ sung nào và nguồn lực bổ sung nào" mà họ có thể giúp Ukraine, nhưng ông không đi sâu vào chi tiết.

Tuy nhiên, theo BBC, đó lại là những chi tiết mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu trong "kế hoạch chiến thắng" của mình. Những đề nghị cụ thể như lời mời chính thức gia nhập NATO và được toàn quyền sử dụng tên lửa tầm xa do Anh và Pháp cung cấp cho đến nay vẫn bị từ chối.

Những người chỉ trích Tổng thống Mỹ Biden và các đồng minh NATO của ông cáo buộc họ liên tục trì hoãn vì sợ leo thang với Nga.

BBC nhận định, đối với Ukraine, sự hỗ trợ thêm từ những người ủng hộ lớn nhất của họ không thể đến đủ nhanh. Khi bị Nga dồn vào thế yếu trên chiến tuyến, đất nước này đang ở trong thời điểm đặc biệt dễ bị tổn thương. Và phần còn lại của châu Âu cũng vậy.

Theo Hữu Hiển

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên