Loay hoay đào tạo phi công trong nước
Mỗi khi có một hãng hàng không mới ra đời, câu chuyện tuyển dụng, lôi kéo phi công giữa các hãng lại “nóng”, thậm chí có cảnh cạnh tranh không lành mạnh. Nhân lực đang trở thành một trong những rào cản chính ảnh hưởng tới quá trình phát triển hàng không Việt Nam. Trong khi đó, đã ngót 25 năm, giấc mơ tự đào tạo phi công cơ bản trong nước phục vụ hàng không dân dụng vẫn chưa thành hiện thực.
- 27-06-2019Cục Hàng không lý giải việc nhân nhượng giờ bay cho phi công Vietjet
- 20-06-2019Vietjet chậm, hủy chuyến nhiều từ ngày 14-6 do thiếu phi công
- 16-06-2019Bùng nổ nạn 'săn trộm', vơ vét ...phi công
Từ khi có hàng không dân dụng đã có phi công người Việt, nhưng phải tới năm 2012 mới có lứa phi công Việt đầu tiên được đào tạo một phần trong nước ra trường. Tuy nhiên, tới nay học viên phi công Việt Nam vẫn phải ra nước ngoài học thực hành bay. Điều này khiến việc tiếp cận với nghề phi công khó khăn, tăng chi phí, trong khi lại không đủ phi công đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trường phi công Bay Việt (VFT) là đơn vị đầu tiên và duy nhất tới nay tham gia được vào một phần quá trình đào tạo phi công cơ bản. Ngôi trường với cơ sở vật chất khá khiêm tốn: một dãy nhà 4 tầng sơn xanh, đặt tại quận Tân Bình (TPHCM). Ngoài các phòng học và môn học lý thuyết, phối hợp tổ lái, năm 2015 trường trang bị thêm một buồng lái tàu bay mô phỏng (SIM) và triển khai dạy làm quen với tàu bay phản lực. Mỗi năm, trường Bay Việt tuyển sinh 4-5 khoá phi công cơ bản, mỗi khóa 25-30 học viên.
Mới dạy lý thuyết
“Để trở thành phi công ngồi được lên buồng lái máy bay thương mại, các học viên cần trải qua hai giai đoạn, đầu tiên phải lấy được bằng phi công cơ bản, sau đó học chuyển loại để lái một loại tàu bay cụ thể. Hiện Việt Nam mới dạy được phần lý thuyết và phối hợp tổ bay, phần thực hành phải ra nước ngoài học từ 10 - 14 tháng”, thầy Nguyễn Phúc Lân (50 tuổi), giáo viên lý thuyết trường Bay Việt nói.
Sau khi tốt nghiệp 14 môn lý thuyết cơ bản - ATP (nguyên lý bay, dẫn đường, khí tượng hàng không…), học viên sẽ chọn một trường bay thực hành ở nước ngoài (Mỹ, Úc, NewZealand, châu Âu). Bằng phi công cơ bản được cấp theo quy định tại quốc gia học viên theo học, về nước Cục Hàng không sẽ tổ chức thi đánh giá và công nhận.
Khi có bằng phi công cơ bản, học viên đủ điều kiện nộp hồ sơ xin việc ở các hãng hàng không dân dụng và hãng sẽ thực hiện huấn luyện chuyển loại. Tùy vào nhu cầu, hãng hàng không có thể đài thọ chi phí để phi công cơ bản học chuyển loại và phi công phải cam kết gắn bó trong thời gian nhất định. Từ năm 2010, Vietnam Airlines đã đầu tư các buồng lái mô phỏng và tự thực hiện đào tạo chuyển loại trong nước với phi công lái tàu bay A321, sau đó cuối năm 2018 thêm A350, B787 Vietjet có thể thực hiện chuyển loại với tàu bay A320 - A321.
Cần gì để theo nghề phi công?
Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm, để được học phi công phải rất “cao siêu”, phi công thường là con em trong ngành. Thực tế không hẳn vậy. Giảng viên Nguyễn Phúc Lân nói, có 3 điều quan trọng để thành phi công. Đầu tiên phải đam mê và có tình yêu với nghề phi công. Tiếp đó, có quá trình định hướng rèn luyện từ khi học phổ thông, tập trung một số môn tự nhiên, chủ yếu là toán, vật lý và tiếng Anh. Cuối cùng là điều kiện tài chính. Ngoài ra, còn một số điều kiện đầu vào như tốt nghiệp THPT (cấp 3) trở lên, tuổi từ 18-32, nam cao tối thiểu 1,65m, nữ 1,60m… Thể chất của thanh niên Việt hiện nay đều cơ bản đạt được những đòi hỏi này.
“Nhiều người đang đánh đồng tiêu chuẩn sức khỏe phi công dân sự với phi công quân sự. Tiêu chuẩn phi công quân sự rất cao do yêu cầu nhiệm vụ, nhưng với phi công dân sự, một đứa trẻ phát triển bình thường, không dị tật bẩm sinh sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu”, thầy Lân nói.
Về tiếng Anh, ứng viên phi công phải đạt trình độ TOEIC từ 550 điểm trở lên (hoặc tương đương). Vì toàn bộ quá trình học, tài liệu đều bằng tiếng Anh. Sau này ngồi trên buồng lái tàu bay kết nối thông tin với mặt đất cũng sử dụng tiếng Anh. Sau khi trải qua bước sàng lọc hồ sơ, khám sức khoẻ, các ứng viên sẽ trải qua phần kiểm tra tiếng Anh và trắc nghiệm năng khiếu, sự thích ứng với nghề, hai phần này đều thực hiện trên máy tính. Phần mềm sẽ đưa ra đánh giá sơ bộ về năng lực kiến thức, kỹ năng, tính cách học viên. Qua vòng này, các giáo viên nhiều kinh nghiệm sẽ phỏng vấn trực tiếp từng học viên để đánh giá lại lần nữa về việc học viên có phù hợp không và đưa ra lời khuyên.
Khi đã đạt các điều kiện cần này, để thực hiện giấc mơ phi công, học viên phải có điều kiện đủ là chi phí học tập. Tổng học phí một khóa phi công cơ bản trong thời gian khoảng 2 năm tốn 2 - 2,5 tỷ đồng. Trong đó, khóa học lý thuyết ATP trong nước hết 134 triệu đồng; chi phí học huấn luyện bay ở nước ngoài khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng (học ở Mỹ khoảng 63.400 USD/khóa, New Zealand khoảng 70.000 USD/khóa…). Sau đó về Việt Nam học phối hợp tổ bay trên buồng lái, chi thêm khoảng 100 triệu đồng.
Để ngồi được lên buồng lái tàu bay, cần thêm khoảng 1,5 - 1,6 tỷ đồng học chuyển loại (đa phần hãng hàng không đài thọ chi phí chuyển loại). Tổng chi phí từ khi học tới khi ra làm việc khoảng 4 tỷ đồng, mức thu nhập khởi điểm của phi công thấp nhất hiện nay khoảng 70-75 triệu đồng/tháng.
25 năm giấc mơ trường phi công
Về việc đào tạo phi công dân dụng trong nước, dự án đầu tiên được triển khai từ những năm 1995-1997, khi chính phủ Pháp hỗ trợ hàng triệu Euro vốn ODA. Từ đó tới nay, dự án này vẫn chưa thành công, dù 3 tàu bay đã được chuyển giao cho phía Việt Nam. Từ năm 2012 về trước, phi công người Việt chủ yếu chuyển từ phi công quân sự sang, hoặc được Vietnam Airlines đài thọ chi phí đào tạo ở nước ngoài và về phục vụ cho hãng.
Năm 2008, đề án thứ hai với trường phi công Bay Việt ra đời và bắt đầu liên kết với trường đào tạo phi công của Pháp để thực hiện chuyển giao công nghệ đào tạo (do Pháp cấp bằng). Theo kế hoạch, trong 3 khóa huấn luyện đầu tiên, Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao toàn bộ chương trình đào tạo phi công cơ bản từ đối tác Pháp, học phí do Vietnam Airlines đài thọ.
Khóa đầu tiên tuyển sinh năm 2010, lần đầu tiên đào tạo lý thuyết trong nước, thực hành bay ở Pháp. Khóa 2 từ cuối năm 2011, với phần đào tạo lý thuyết và một phần thực hành trong nước (tại Khánh Hòa) - tới nay đây cũng là khóa phi công dân dụng duy nhất toàn bộ quá trình đào tạo thực hiện cơ bản trong nước. Khóa 3, theo kế hoạch sẽ hoàn tất chuyển giao đào tạo phi công cơ bản trong nước, do giáo viên Việt Nam thực hiện với sự giám sát của chuyên gia Pháp.
Tuy nhiên, vì một số lý do, Vietnam Airlines dừng đài thọ chi phí đào tạo phi công cơ bản nên việc chuyển giao bị gián đoạn. Thay vào đó, từ khóa 3 này, Bay Việt bắt đầu thực hiện tuyển sinh và đào tạo phi công theo hình thức xã hội hóa, học viên tự túc toàn bộ chi phí. Từ đó tới nay, các bước xúc tiến lập trường bay trong nước với phần huấn luyện bay thực hành đã diễn ra, nhưng chưa mang lại kết quả. Do đó, các lớp học phi công cơ bản hiện chỉ đào tạo phần lý thuyết và phối hợp tổ bay (khoảng 6 tháng) trong nước, còn phần học thực hành bay với thời gian dài nhất, chi phí tốn kém nhất vẫn phải ra nước ngoài.
Thầy Nguyễn Phúc Lân (50 tuổi), giáo viên lý thuyết trường Phi công Bay Việt trên buồng lái tàu bay mô phỏng (SIM) của trường Ảnh: Phạm Thanh
Tới nay, trường phi công Bay Việt đã và đang đào tạo trên 750 học viên phi công cơ bản, với 10 quốc tịch. Trong đó, gần 300 học viên đã tốt nghiệp và đang làm việc tại 5 hãng hàng không trong nước và khu vực. Riêng tại Vietnam Airlines, cứ 4 phi công người Việt có 1 người học tại Bay Việt.
Tiền phong