Lợi 1.500 tỉ/năm nhờ khoán xe công
Từ ngày 1/10, lãnh đạo Bộ Tài chính từ cấp thứ trưởng trở xuống phải tự bố trí xe đi làm hằng ngày thay vì sử dụng xe công đưa rước từ nhà đến cơ quan. Việc này sẽ tiết kiệm ít nhất 1.500 tỉ đồng/năm.
- 23-09-2016Mức khoán kinh phí xe công của Bộ Tài chính: Thận trọng và hợp lý
- 23-09-2016Khoán xe công và cái uy trong mắt dân
- 21-09-2016Bộ Tài chính "tiên phong" khoán xe công từ 1-10
- 06-07-2016Khoán xe công khó đi vào thực tế, vì sao?
Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên áp dụng chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công bắt buộc đối với các chức danh lãnh đạo từ thứ trưởng trở xuống. Còn theo cơ chế chung hiện hành, việc khoán xe công vẫn đang được thực hiện thí điểm trên tinh thần tự nguyện.
Đo đường, khoán tiền
Theo quy định này, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công được áp dụng đối với các chức danh thứ trưởng, lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Cụ thể, mức khoán được xác định bằng đơn giá khoán (theo mức giá của các hãng xe taxi loại 4 chỗ ngồi) x số kilômét khoán (từ nơi ở đến nơi làm việc) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.
Với chế độ khoán mới như trên, Bộ Tài chính dự kiến tiền khoán xe cho 6 thứ trưởng là 44,22 triệu đồng/tháng. Trong đó 3 thứ trưởng có mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng tương đương với chặng đường 15 km/lượt; 2 thứ trưởng có mức khoán 5,28 triệu đồng, tương đương quãng đường 8 km/lượt; một thứ trưởng nhà gần có mức khoán 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại chỉ 6 km/lượt.
Một cán bộ cấp vụ của Bộ Tài chính cho biết từ khi ban hành quy định mới về chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô, có một số bộ gọi điện hỏi và thắc mắc tại sao Bộ Tài chính lại “lấy đá tự ghè chân mình”. Ý kiến dư luận cũng nhiều chiều, có người cho rằng chỉ khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón lãnh đạo thì không đáng kể vì không giảm được số lượng xe công và vẫn phải phục vụ đi họp hành. Mức khoán tính cụ thể theo quãng đường cũng không hợp lý. Thay vào đó cần khoán kinh phí sử dụng ô tô theo cả gói để cán bộ tự bố trí việc đi lại.
Về phía Bộ Tài chính thì cho rằng việc áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe công ngay cả khi chỉ dừng ở công đoạn đưa - đón lãnh đạo từ nhà đến trụ sở làm việc cũng sẽ giảm khá nhiều chi phí. Khi áp dụng chế độ này, số xe công trước đây bố trí đưa đón lãnh đạo sẽ được đưa vào phục vụ nhiệm vụ chung. Vì là quãng đường cố định nên phải tính cụ thể, không cào bằng để bảo đảm tính hiệu quả. “Đây là một nỗ lực nhằm tiết kiệm chi phí sử dụng xe công. Nếu điều này được áp dụng rộng rãi cho các bộ, ngành khác thì số tiền tiết kiệm được sẽ rất lớn” - cán bộ này nhận xét.
Theo Cục Quản lý công sản, hiện nay cả nước có khoảng gần 40.000 xe công, thuộc mức cao so với thế giới, trong đó có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung. Chi phí cho mỗi xe trung bình 320 triệu đồng/năm nên ngân sách phải chi khoảng 13.000 tỉ đồng/năm “nuôi” xe công, chưa kể phải sắm mới. Nếu thực hiện khoán kinh phí đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung, mỗi năm có thể tiết kiệm ít nhất 1.500 tỉ đồng.
Cần áp dụng đại trà
TS Lê Đăng Doanh cho rằng từ việc thực hiện khoán xe công của Bộ Tài chính, cần phải nhân rộng hơn và tiến tới cơ chế khoán xe công bắt buộc. Vì trên thế giới nhiều nơi không còn áp dụng cơ chế xe công đưa đón cho nhiều chức danh lãnh đạo. Tại Thụy Điển, lãnh đạo cấp cao không có xe đưa đón tại nhà mà sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, sang hơn thì đi taxi. Tại Việt Nam, tâm lý chung là sính xe công, lãnh đạo phải đi xe biển xanh mới oai và đây là cách nghĩ, là di sản có tính chất phân biệt đẳng cấp của thời kỳ phong kiến.
“Tôi thấy cán bộ cấp sở, thậm chí có vị chủ tịch liên minh hợp tác xã, cũng đi xe biển xanh là không thể chấp nhận được. Cần phải coi hành vi vi phạm quy định sử dụng xe công là ăn cắp của công vì đây là dùng tiền đóng thuế của dân vào việc cá nhân” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng khoán xe công cho thứ trưởng đã thay đổi cơ bản tư duy cố hữu của nhiều cán bộ trong việc sử dụng xe công và sẽ là nền tảng để tiến tới xây dựng hàng loạt các cơ chế mở rộng cung cấp dịch vụ công. Câu chuyện khoán xe công không chỉ đơn giản là khoán xe ở một cơ quan, tổ chức nào đó mà nó còn liên quan đến câu chuyện mua sắm, vì khi đã khoán rồi, số lượng xe công cũng có thể giảm bớt. Chẳng hạn, trước đây một bộ có 3 thứ trưởng thì phải có 3 xe công tương tự với 3 chức danh này. Nhưng khi thực hiện khoán, số xe sẽ giảm đi chỉ cần 1-2 chiếc chỉ để phục vụ cho công tác chung.
Khoán chi xe công rất tiết kiệm
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Đỗ Mạnh Hùng cho biết việc khoán chi xe công là bước cụ thể hóa của chủ trương tiết kiệm ngân sách. Trong các cơ quan của QH đã có một số nhân sự thuộc diện được xe đưa đón đã thực hiện chế độ khoán xe công như bà Hoàng Thị Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng), ông Nguyễn Văn Tiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội). Chi phí cho mỗi xe công đưa đón cán bộ khoảng 320 triệu đồng/năm. Trong khi đó Văn phòng QH khoán chi xe đưa đón bà Hoa và ông Tiên là 10 triệu đồng/tháng, tương đương 120 triệu đồng/năm.
Doanh nghiệp hào phóng tặng ô tô
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Bùi Bích Thu - Chánh Văn phòng UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - thừa nhận việc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long (Công ty Hạ Long, đóng ở xã Xích Thổ, huyện Nho Quan) đã tặng cho Huyện ủy và UBND huyện 2 ô tô 4 chỗ: Một xe Toyota Fortuner V2 và một xe Mazda CX5-AT-4WD (cùng sản xuất năm 2014). Trước nay Huyện ủy và UBND huyện Nho Quan đã có đủ xe theo quy định.
Vào tháng 3-2016, UBND tỉnh Ninh Bình được Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Hoa Lư tặng 3 ô tô hạng sang của hãng Toyota với trị giá 6,6 tỉ đồng để “phòng chống lụt bão”. Đến ngày 6-7, UBND tỉnh Ninh Bình có công văn gửi Bộ Tài chính xin xác lập quyền sở hữu nhà nước cho 3 ô tô trên. Sau đó tỉnh này lại có công văn xin hủy quyền sở hữu và trả lại xe cho doanh nghiệp do dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Người lao động