Lời cầu nguyện của "chiến binh đầu trọc" trong đêm Trung Thu sớm ở bệnh viện: "Con ước mơ mình khỏe mạnh để được về và đi học"
Tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), mỗi em nhỏ nơi đây đều mang trong mình một căn bệnh khác nhau, hàng ngày phải gồng mình chống chọi lại với bệnh tật. Mỗi em đều có ước mơ riêng, với Quỳnh trong đêm Trung Thu em cầu nguyện mình sớm khỏi bệnh để về với gia đình, đi học như những bạn bè khác.
- 12-09-2019Bánh trung thu: Vì sao còn hạn nhưng mốc, hết hạn vẫn tươi nguyên?
- 11-09-2019Nghệ nhân Ánh Tuyết: Bánh Trung Thu hơn hẳn Trung Quốc, Thái Lan, chỉ có điều "người Việt khiêm tốn quá"
- 11-09-2019Ăn tới 3 - 4 cái bánh Trung thu một ngày, máu của người đàn ông chuyển từ đỏ sang trắng đục
Tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều có hàng trăm bệnh nhi hàng ngày vẫn đang nằm điều trị tại đây. Mỗi em nhỏ đều mang trong mình những căn bệnh khác nhau, quá trình điều trị có thể vài ngày, vài tháng hoặc thậm chí cả năm trời trong bệnh viện.
Tết Trung Thu sớm của các thiên thần bé nhỏ tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Đêm Trung Thu được tổ chức tại một sảnh nhỏ nằm trên tầng 3 Khoa Nhi của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Phải chống chọi với bệnh tật, các em nhỏ nơi đây chịu nhiều thiệt thòi khi không được vui vẻ chơi đùa như những đứa trẻ khác. Dịp Trung Thu năm nay, nhiều em nhỏ như phần nào quên đi bệnh tật, đau đớn để hòa mình vào không khí trung thu trong bệnh viện.
Năm nay, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều tổ chức Trung Thu sớm vào đêm 11/9 cho các em nhỏ đang nằm điều trị trong bệnh viện. Dù không được đủ đầy như những Trung Thu đầm ấm bên gia đình nhưng cũng phần nào giúp các em có được niềm vui, nụ cười trong ngày lễ dành cho những thiên thần bé nhỏ.
Các em nhỏ như quên đi bệnh tật để vui chơi tại buổi Trung Thu.
Tại bệnh viện mỗi em nhỏ mang trong mình một căn bệnh khác nhau.
Không khí Trung Thu tấp nập trong phòng bệnh của các em nhỏ.
Ngồi trên xe lăn tại một góc khán phòng nơi tổ chức Trung Thu tại bệnh viện K, em Nguyễn Thị Quỳnh (13 tuổi, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) không được chạy nhảy, nô đùa hay vui cười như những em nhỏ khác. Quỳnh ngồi chăm chú theo dõi buổi lễ trung thu nhộn nhịp với ánh nhìn vẫn đượm buồn.
Quỳnh là con gái đầu lòng sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em. Vào khoảng giữa năm 2018, em được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị khi mắc căn bệnh ung thư xương quái ác.
Quỳnh ngồi trên xe lăn cùng mẹ tham dự buổi Trung Thu tại bệnh viện.
Nhìn thấy bạn bè vui chơi, Quỳnh như phần nào quên đi bệnh tật và đau đớn.
5 tháng nằm viện điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, em phải trải qua 3 đợt mổ phẫu thuật để điều trị bệnh. Do bệnh tình tiến triển nặng, đầu năm 2019 em được chuyển lên Bệnh viện K cơ sở Tân Triều điều trị cho đến nay. Đến hiện tại khi mới 13 tuổi, em đã phải trải qua 5 đợt mổ phẫu thuật, 1 bên chân trái của em cũng đã phải cắt bỏ.
Nắm chặt chiếc xe lăn đứng sau con gái hướng mắt vào lễ Trung Thu nhộn nhịp, chị Nguyễn Thị Phương (33 tuổi, mẹ em Quỳnh) như nặng trĩu nỗi niềm.
Những thiên thần bé nhỏ vui chơi trong buổi Tết Trung Thu, những phần quà nhỏ nhoi nhưng đối với các em nằm trong bệnh viện thì nó là vô giá.
Khi phát hiện Quỳnh mang trong mình căn bệnh quái ác, chị Phương như suy sụp hoàn toàn. Gia đình khó khăn, vợ chồng chị phải gồng mình xoay xở tiền để điều trị cho con.
Trong lúc cố gắng chạy chữa cho Quỳnh, tai họa lại một lần nữa lại ập đến gia đình chị khi con gái thứ 3 trong gia đình là em Nguyễn Thị Thanh Mai (6 tuổi) mắc căn bệnh U tiền liệt tuyến ức. Kinh tế cạn kiệt, gia đình chị Phương phải cắm chiếc sổ đỏ mà ông bà để lại lấy tiền chạy chữa cho 2 con.
"Nửa năm nay tôi cũng chưa về quê nhà vì ở đây chăm Quỳnh, chồng tôi thì chăm bé Thanh Mai ở Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, mỗi người một nơi vì 2 con nằm viện. Nhiều khi tôi chăm con mệt quá ngất đi nhưng được mọi người và các y bác sĩ giúp đỡ nhiều nên tôi cũng vượt qua được và quen dần", chị Phương nói.
Chỉ còn 1 bên chân, Quỳnh được người thân cho di chuyển trên xe lăn.
Một số em nhỏ khác cũng ngồi trên xe lăn đón Tết Trung Thu trong bệnh viện.
Dù đã 13 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên Quỳnh được tổ chức trung thu cùng vui chơi cùng với các bạn.
"Hồi Quỳnh còn chưa bệnh ở quê kinh tế gia đình khó khăn nên cũng không có cái bánh trung thu cho bé. Giờ bị bệnh vào viện mới được các cô chú tổ chức trung thu cho cũng phần nào giúp con đỡ tủi thân. Nó vẫn đau lắm nhưng Tết Trung Thu thấy các bạn vui nên cũng đỡ hơn", chị Phương chia sẻ.
Mắc bạo bệnh nên Quỳnh phải gác lại việc học tập. Thấy các bạn cùng trang lứa đi học em cũng thèm được đến trường nhưng không thể.
Các em nhỏ thích thú tham gia trò chơi trong buổi lễ.
Quỳnh mong ước mình sớm khỏe bệnh để được về với gia đình và được đi học cùng với chúng bạn.
"Nhiều khi nó khóc bảo "mẹ ơi con chỉ ước mình khỏe mạnh để được về đi học", nó thích học lắm nhưng giờ thì làm sao mà đi được. Còn phải nằm viện trị bệnh, giờ đi học thì cũng phải học lại từ đầu vì nghỉ lâu rồi nên tôi cũng không biết trả lời làm sao nữa", chị Phương nghẹn ngào.
Kinh tế cạn kiệt, gia đình chị Phương cũng không biết thời gian tới sẽ lấy tiền đâu để tiếp tục điều trị bệnh cho 2 con. Với khoản nợ gần 300 triệu đồng vay mượn điều trị cho các con, chị Phương vẫn gắng gượng vượt qua từng ngày mong 2 con sớm khỏi bệnh.
Đêm Trung Thu Quỳnh lại hỏi mẹ: "Bao giờ con mới khỏi bệnh để được về nhà, đi học".
Trong đêm trung thu tại bệnh viện, Quỳnh đỡ đau đớn vì bệnh tật khi thấy các bạn vui chơi. Em vẫn mỉm cười để xua tan đi những nỗi đau mà căn bạo bệnh mang lại.
Cũng trong đêm trung thu, em vẫn nói với mẹ điều ước của mình mà bao lâu nay em vẫn ao ước: "Bao giờ con mới khỏi bệnh để được về nhà, đi học".
Chắc chắn rằng đó cũng là ước mơ của biết bao chiến binh "đầu trọc" tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều nói riêng và của rất nhiều em nhỏ ở nhiều bệnh viện khác nói chung.
Trí thức trẻ