MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời giải thích nào cho nghịch lý: Trong tuần phải đi làm thì dậy muộn, chủ nhật được nghỉ lại dậy sớm

17-12-2018 - 22:49 PM | Sống

Nếu gen của bạn quyết định bạn là một "con cú đêm", dậy sớm sẽ là cực hình với bạn.

Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, nếu như chúng ta có thể bật tắt chế độ ngủ của cơ thể, đơn giản như gạt giờ báo thức trên điện thoại. Nhưng rõ ràng, điều này bất khả thi với nhiều người.

Bạn có thể vẫn muốn ngủ khi chuông báo thức kêu vào thứ Hai, nhưng ngược lại, dậy quá sớm vào ngày Chủ Nhật, rồi có muốn cũng chẳng tài nào ép mình ngủ thêm được. Điều này đúng với cả nữ vận động viên quần vợt số 1 thế giới, Serena Williams.

Nó khó chịu đến nỗi cô phải đăng một dòng dài để than phiền trên Twitter: "Tôi phải cầu khẩn ai đó hãy làm ơn, chỉ cho tôi biết cách làm thế nào để mở mắt trước 9 giờ sáng trong ngày tập luyện. Ấy vậy mà vào một ngày nghỉ như hôm nay, tôi lại tỉnh như sáo từ lúc 6 giờ sáng?? Làm ơn, tôi cần một câu trả lời nghiêm túc cho vấn đề này".

Lời giải thích nào cho nghịch lý: Trong tuần phải đi làm thì dậy muộn, chủ nhật được nghỉ lại dậy sớm - Ảnh 1.

Lời giải thích nào cho nghịch lý: Trong tuần phải đi làm thì dậy muộn mà chủ nhật được nghỉ lại dậy sớm.

Để tìm câu trả lời cho thắc mắc của Serena cũng như nhiều người khác, chúng tôi đã hỏi nhà thần kinh học W. Chris Winter, cũng là một chuyên gia về giấc ngủ. Ông thậm chí đã viết hẳn một cuốn sách về chủ đề này, có tên là "The Sleep Solution - Giải pháp giấc ngủ".

Theo Winter, điểm mấu chốt đóng vai trò trong trường hợp này là thói quen. Ví dụ như với Williams, đó là việc cô luôn dậy trước 9 giờ trong những ngày tập luyện.

"Nhiều người trong số chúng ta có lịch làm việc rất hà khắc nhưng không hài hòa với cơ thể sinh học của mình", Winter nói. "Chẳng hạn nếu bạn phải thức dậy sớm hơn so với thời gian tỉnh giấc tự nhiên của cơ thể, nó sẽ khiến bạn nặng đầu và không thể ra khỏi giường được".

Ngay cả khi đã dậy và làm việc, sự chệch nhịp vẫn khiến cho bạn cảm thấy bơ phờ, lảo đảo và hết sức khó chịu, vì giấc ngủ tự nhiên của bạn đã bị buộc phải chấm dứt một cách thô bạo. Tất cả đều liên quan đến nhịp sinh học của bạn.

Một số người (được gọi là những "người buổi sáng") có xu hướng ngủ và thức dậy sớm hơn, trong khi những người khác (được gọi là mẫu "người cú đêm") sẽ thức khuya và dậy muộn.

Những khác biệt này phần lớn được ấn định trong gen và rất khó có thể thay đổi. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy "người cú đêm" có đột biến gen làm chậm nhịp sinh học của họ lại, nghĩa là họ sẽ luôn phải cố gắng để bắt kịp với phần còn lại của thế giới.

Lời giải thích nào cho nghịch lý: Trong tuần phải đi làm thì dậy muộn, chủ nhật được nghỉ lại dậy sớm - Ảnh 2.

Nếu gen của bạn quyết định bạn là một "con cú đêm", dậy sớm sẽ là cực hình với bạn.

Trong trường hợp của Williams, có thể cô là một mẫu "người cú đêm". Nhưng vào những ngày tập luyện, Williams đã phải tự mình chống lại nhịp sinh học của cơ thể. Nếu bạn cũng làm điều đó, bạn sẽ thấy mình rất mệt mỏi và cực kỳ khó khăn mới ra khỏi giường được vào sáng sớm.

Bởi vì đã bắt buộc mình phải làm điều đó, cơ thể bạn sẽ quen dần với một số điều kiện của một mẫu "người buổi sáng". Winter chỉ ra rằng hầu hết mọi người đã quen với việc thức dậy, nhìn thấy ánh sáng, ăn uống, tham gia các tương tác xã hội, v.v. Đó là một thói quen và cơ thể thích nghi với nó.

Đối với Williams, cô ấy cũng có thói quen của người buổi sáng. Việc tập luyện chẳng hạn, làm tăng thân nhiệt và tăng cường sự điều hòa cơ thể. Thói quen sinh lý này khó có thể bị phá vỡ ngay cả trong những ngày nghỉ.

Và trong khi Williams muốn ngủ muộn vào ngày nghỉ, cơ thể sẽ gọi cô ấy dậy để tập luyện. Nó cũng sẽ muốn được tăng thân nhiệt và điều hòa cơ thể như ngày tập luyện của cô ấy.

Và thói quen chính là câu trả lời cho việc tại sao Williams dậy rất sớm trong ngày nghỉ.

Lời giải thích nào cho nghịch lý: Trong tuần phải đi làm thì dậy muộn, chủ nhật được nghỉ lại dậy sớm - Ảnh 3.

Ngay cả Serena Williams cũng gặp vấn đề về giấc ngủ

Ngoài ra, Winter còn chỉ ra một yếu tố khác cũng góp phần vào hiện tượng này. "Có một áp lực tâm lý tinh tế giúp mọi người có thể ngủ khi cơ thể họ thực sự muốn ngủ", ông nói. Áp lực này độc lập với ý chí của bạn. Nghĩa là khi bạn muốn thức, nhưng cơ thể bạn muốn ngủ, nó sẽ tạo ra một áp lực nhẹ để đẩy đổ bạn xuống nệm.

Mặc dù chỉ là một áp lực tâm lý nhẹ, bạn cũng rất khó dùng lý trí để cưỡng lại được nó. Đó là lý do tại sao bạn ngủ gật hoặc tự nhiên thiếp đi trong khi đọc sách hay xem tivi.

Ngược lại, bạn không thể dùng lý trí để ép mình ngủ, dù lý trí của bạn có mạnh đến đâu đi chăng nữa, nó cũng không bằng áp lực tâm lý nhẹ nhàng này. Bạn có thể tỉnh dậy từ lúc 6 giờ sáng như Williams, rồi có muốn cũng không quay lại ngủ thêm nữa vì khi đó bạn chỉ dùng lý trí của mình chứ cơ thể không tạo ra áp lực tâm lý giúp bạn ngủ.

Không giống như thể thao, trong đó bạn càng cố gắng thì cơ thể càng đáp ứng để thích nghi với cường độ tập luyện của bạn, giấc ngủ là thứ bạn không thể gượng ép.

Lời giải thích nào cho nghịch lý: Trong tuần phải đi làm thì dậy muộn, chủ nhật được nghỉ lại dậy sớm - Ảnh 4.

Nếu bạn không thể ngủ vào sáng chủ nhật, hãy dành thời gian thiền thư giãn cũng được.

Nói tóm lại, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải dậy sớm đi học hoặc đi làm hay tập luyện, thì đó là vì bạn đang dậy sớm hơn và chống lại chiếc đồng hồ trong cơ thể bạn. Nhưng bởi chúng ta đã dậy sớm hầu hết các ngày trong tuần, cơ thể chúng ta bắt đầu hình thành thói quen của mẫu người dậy sớm. Nó khiến cho cuối tuần bạn có muốn cũng không ngủ nướng thêm được.

Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này không? Winter cho biết mặc dù bạn không thể ngủ để hồi phục cơ thể, bạn vẫn có thể tận dụng thời gian trên giường vào cuối tuần để thư giãn. Ông đã thử nghiệm cho các vận động viên thiền khi dậy sớm vào cuối tuần, và nó tỏ ra có hiệu quả.

"Tận dụng thời gian chết trên giường khi không cảm thấy áp lực ngủ có thể giúp ích rất nhiều", Winter cho biết thêm. "Thiền với ý thức có thể cải thiện sự thư giãn của bạn mà không cần ngủ".

Tham khảo Tonic

Theo Zknight

Trí thức trẻ

Trở lên trên