'Lợi ích nhóm' tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch
Chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, qua vụ việc Nhà máy nước sạch Sông Đà bị đầu độc cho thấy, đang có dấu hiệu “lợi ích nhóm” tạo ra một cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Đề cập đến vụ việc Nhà máy nước sạch Sông Đà bị đầu độc, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng đang có dấu hiệu “lợi ích nhóm” tạo ra một cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Vụ việc này cũng bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia.
Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị phải xử lý nghiêm lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch và nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.
Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình riêng về vấn đề trách nhiệm của một số cán bộ thuộc Bộ Công an liên quan đến vụ AVG và tổ chức đưa phạm nhân ra làm việc cho doanh nghiệp cũng như sai phạm của cán bộ công chức trong vụ thí điểm xe điện là Sầm Sơn Thanh Hoá.
“Tôi sẽ có văn bản riêng gửi Thủ tướng Chính phủ để xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước”, ông Nhưỡng nêu vấn đề.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh Như Ý)
Trước đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề cổ phần hóa, nước sạch. Theo ông Nghĩa, vấn đề an ninh nguồn nước còn quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Song gần đây, có tình trạng thoái vốn đến 100% ở các công ty cung cấp nước sạch, gây nhiều lo lắng, nguy cơ về an ninh nguồn nước.
“Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công Thương cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này”, ông Nghĩa đề nghị.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành thực hiện đúng pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ an ninh nguồn nước, tránh xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua.
Về tỷ lệ cổ phần hóa công ty nước sạch mà ĐB Nghĩa phản ánh, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. “Đây là vân đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiền Phong