Lợi ích từ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, nhất là với những người không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định.
Lợi ích lớn là vậy nhưng gần 10 năm qua, mới chỉ có khoảng 240.000 người mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Một con số khiêm tốn so với số lượng hơn hàng chục triệu nông dân chưa có chỗ dựa nào về an sinh khi về già. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này.
Để không muốn dựa vào con cái khi về già, chị Thu (phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tự tìm hiểu các hình thức bảo hiểm hưu trí và quyết định mỗi tháng bỏ 400.000 đồng/tháng để lo cho tương lai sau này.
Với lao động tự do, ý nghĩa tinh thần khi về già có hưu trí còn lớn hơn giá trị là mỗi tháng họ được lĩnh bao nhiêu.
Phần lớn người mua BHXH tự nguyện đều ở thế bị động khi tham gia và đều có tuổi. Muốn biết thông tin phải lên tận cơ quan BHXH, như trường hợp chị Hoàn (thôn Đại Lải, xã Ngô Quyền, Tiên Lữ, Hưng Yên), chỉ khi đến cơ quan BHXH, chị mới được biết thông tin có thể mua bảo hiểm tự nguyện.
Trong hàng chục triệu nông dân, rất ít người hiểu BHXH tự nguyện có lợi gì cho họ. Bảo hiểm y tế tự nguyện đã được tuyên truyền tới tận các xã phường nhưng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chưa. Khi người dân không biết thì họ không tham gia.
Gần 70% người cao tuổi Việt Nam chủ yếu ở nông thôn, làm nông nghiệp và có đến 72% sống với con cháu, phần lớn họ không có tích lũy vật chất.
Một tương lai không chỗ dựa, với hàng triệu nông dân không có điểm tựa an sinh khi về già đang đặt ra thách thức cho an sinh xã hội ở nông thôn. Làm thế nào để người nông dân có thể hiểu và tham gia BHXH tự nguyện là khoảng trống cần lấp đầy trong thời gian tới, để bà con nông dân có thể tìm được điểm tựa khi về già.
VTV1