MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Lợi kép” từ giảm 2% thuế VAT

Việc giảm thuế VAT được cho là mang lại lợi ích kép, khi giá thành sản phẩm giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ, giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu.

Từ đầu tháng này, thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 10% xuống còn 8% với nhiều mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm khô, nước giải khát, bánh kẹo, hàng gia dụng... đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất cho đến gia công, tiêu dùng.

Điều này đã mang đến những tín hiệu tích cực và khả quan cho tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã mạnh dạn đặt ra những mục tiêu tăng trưởng cho quý III, quý IV sau khi thông tin giảm thuế này được áp dụng.

Mỗi năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định đưa ra thị trường khoảng 5 triệu đôi giày, vì vậy số thuế giá trị gia tăng (GTGT) doanh nghiệp phải nộp hàng năm lên đến vài chục tỷ đồng. Do đó, việc thuế GTGT giảm 2% chính thức áp dụng, doanh nghiệp rất phấn khởi, bởi với quy mô lớn lên đến 5.000 lao động, 2% thuế được giảm này tương đương với hàng trăm triệu đồng.

"Mọi người nghĩ rằng 2% là nhỏ, nhưng theo chúng tôi, với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp bán các sản phẩm ra thị trường hoặc xuất khẩu ra các thị trường, đây là vấn đề rất quan trọng. Nó giúp cho sản phẩm được giảm giá thành và tạo cho doanh nghiệp có lợi nhuận, cũng như những thuận lợi khác trong giá thành khi ký kết hợp đồng với các đối tác", ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết.

“Lợi kép” từ giảm 2% thuế VAT - Ảnh 1.

Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8% tạo hiệu ứng tích cực cho người tiêu dùng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Không chỉ tiết giảm được một phần chi phí sản xuất, giảm thuế GTGT đợt này còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, từ đó kích cầu mua sắm, góp phần tăng doanh thu bán hàng.

"Giảm thuế xuống còn 8% tạo hiệu ứng rất tích cực cho người tiêu dùng, họ sẽ tích cực đi mua sắm. Với chương trình giảm thuế của Chính phủ cộng với những chương trình khuyến mãi mà chúng tôi đã thực hiện, chúng tôi kỳ vọng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 10 - 15%", ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan, chia sẻ.

"Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị đưa xuống hệ thống khoảng 4 triệu dòng sản phẩm để vào ngày 1/7, chúng tôi có thể áp dụng ngay lập tức giảm thuế VAT xuống 8% với các mặt hàng. Chúng tôi nhận thấy lượng khách bắt đầu đông hơn vào cuối tuần so với bình thường", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho hay.

Tác động của việc giảm thuế GTGT lần này đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã thấy rõ. Để có thêm những động lực phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành từ các ngành chức năng.

Cần công khai, minh bạch việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Việc giảm thuế này được cho là mang lại lợi ích kép, khi giá thành sản phẩm giảm. Theo đó người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ, trong khi việc kích cầu tiêu dùng cũng mang doanh thu nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Đáng nói, đã gần 2 tuần kể từ khi việc giảm thuế này chính thức áp dụng, vẫn còn một số nơi chưa giảm, hoặc giảm nhưng lại không rõ ràng.

Ghi nhận tại một cửa hàng cà phê ở quận 4, TP Hồ Chí Minh, cửa hàng này thuộc hệ thống chuỗi cà phê khá lớn trên địa bàn thành phố, tuy nhiên trên phiếu tính tiền lại có dòng chữ: "Giá bán đã bao gồm 8% VAT, áp dụng từ 1/7/2023". Như vậy, việc giảm thuế này đã được áp dụng ra sao khi giá bán không thay đổi?

Nhiều người tiêu dùng phản ánh, vẫn còn rất nhiều cửa hàng, thông tin này không được công bố rõ ràng như trong các hệ thống siêu thị.

"Chuyện niêm yết giảm giá theo chủ trương chung của nhà nước thì những đơn vị bán hàng, cơ sở kinh doanh phải có nghĩa vụ thông báo cho khách hàng biết họ có quyền lợi đó. Những phiếu tính tiền, người ta có ghi chú ở dưới là giá đã bao gồm thuế GTGT 8%, tức là giá này đã giảm, nhưng thật sự không giảm. Như vậy, người bán sẽ kê khai lại, cái giảm đó là giảm cho người ta khỏi nộp thuế 2% đó và cái đó trở thành thu nhập của người bán hàng", Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết.

Cũng theo luật sư Trần Xoa, theo quy định, từ ngày 1/7/2022, các cơ sở kinh doanh đều phải sử dụng hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử không hạn chế giá trị, dù là bao nhiêu, các cơ sở kinh doanh đều phải xuất cho mỗi lần giao dịch, dù khách hàng có nhu cầu lấy hay không. Do vậy, việc nhiều cơ sở kinh doanh hiện nay không xuất hóa đơn điện tử, thay vào đó là những phiếu tính tiền là không đúng quy định, mặt khác cũng không rõ ràng, tách bạch thông tin về việc nộp thuế VAT. Điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.

Theo Quỳnh Mai

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên