Lời khuyên "5 nên, 4 tránh" ai cũng cần dùng để phòng chữa căn bệnh gây đau thấu xương
Bệnh gút được xem là căn bệnh gây đau đớn khủng khiếp và cản trở vận động khi bệnh nặng. Cách phòng chữa bệnh quan trọng nhất chính là ăn uống. Hãy nhớ công thức "5 nên, 4 tránh".
- 09-01-201820 tuổi tử vong sau cảm cúm: Cảnh báo căn bệnh có tỉ lệ tử vong 80% nếu không cứu kịp thời
- 08-01-2018Báo động đỏ căn bệnh làm 580 người tử vong/ngày nhưng nhiều người không biết mình có bệnh
- 03-01-2018Bí quyết bấm huyệt đơn giản để giảm cân, phòng mất ngủ, bệnh tiêu hóa
Bệnh gút nguy hiểm nhưng nhiều người chủ quan
Gout (gút) được xem là "căn bệnh nhà giàu" do ăn uống mà ra. Nếu muốn ngăn ngừa mắc bệnh hoặc không để cho bệnh tiến triển nặng hơn thì mỗi người đều cần phải "quản lý" cho tốt cái bệnh của mình.
Tuy nhiên trong cuộc sống, nhiều người lại không ý thức được điều đó, hàng ngày ăn uống thỏa sức tùy tiện, rượu thịt no nê nên cuối cùng bệnh trở nên ác tính hóa, muốn "phanh" lại cũng không kịp nữa.
Gout là loại bệnh do quá trình bài tiết uric gặp trở ngại hoặc do cơ thể sản xuất quá nhiều acid uric, dẫn đến nồng độ của acid uric trong máu cao (tăng acid uric máu). Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng đau đớn, bệnh nặng sẽ có thể bị đá hóa vùng xương khớp, viêm khớp hoặc thậm chí suy thận.
Bài viết này của bác sĩ Lý Thần Trung, Phó giám đốc khoa Nội tiết chuyển hóa, Bệnh viện Số 3, Đại học y khoa Nam Phương, Trung Quốc.
Acid uric là một chất chuyển hóa của purine, 20% purine trong cơ thể con người đến từ thức ăn, vì vậy điều quan trọng nhất để phòng ngừa và trì hoãn sự phát triển của bệnh gút chính là sự can thiệp chế độ ăn uống, kiểm soát lượng purine vào cơ thể để giảm các biến chứng.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên ăn gì và ăn như thế nào để có thể phòng ngừa bệnh gút hoặc làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh ghi đã mắc phải? Câu trả lời chính là bí quyết "4 thứ nên tránh, 5 thứ nên ăn" sau đây.
4 thứ nên tránh hoặc hạn chế tối đa
1. Tránh các thực phẩm có chất purine cao
Nếu trong 100 gram thực phẩm mà có hàm lượng purine lớn hơn 75mg, thì được xem là thực phẩm chứa purine cao.
Hàng ngày chúng ta thường tiếp xúc với các thực phẩm có lượng purine cao cụ thể như nội tạng động vật (gan, thận, não, tràng, lưỡi, tụy, lá lách) một số hải sản như hải sản có vỏ, cá, trứng cá, tôm cua, rong biển.
Một số món ăn giàu purine như canh thịt, thịt xay, một số loại nước nấu lẩu sau khi ăn xong hoặc canh thịt hầm. Một số loại nấm tươi hoặc giá. Đây là những loại thức ăn mà người bị bệnh gút hoặc muốn phòng ngừa bệnh gút nên cẩn thận.
2. Tránh uống rượu và đồ uống có cồn
Rượu hoặc đồ uống có cồn chứa hàm lượng purine rất thấp, nhưng nó lại là thành phần có thể chuyển đổi thành axit axetic khi đi vào trong cơ thể, từ đó dẫn đến việc gây ức chế bài tiết axit uric trong thận. Các loại rượu khác nhau sẽ gây ra những nguy cơ đối với bệnh gút không giống nhau. Tuy nhiên nếu uống rượu thì nguy cơ làm tăng purine sẽ cao lên đáng kể.
Các nghiên cứu trên thế giới đã phát hiện ra rằng rượu vang đỏ không làm tăng nguy cơ bị bệnh gout, có thể chống oxy hoá và làm giảm lượng acid uric. Tuy nhiên, hàm lượng cồn trong rượu vang lên tới 12%, nếu uống quá mức (trên 200ml/ngày) sẽ làm giảm bài tiết acid uric, làm tăng lượng uric acid và nguy cơ dẫn đến bệnh gút.
3. Tránh đồ uống có đường
Một nghiên cứu được tiến hành trên 30.000 người trong 12 năm cho thấy, người uống nhiều thức uống có đường nhiều bao nhiêu thì nguy cơ bị bệnh gút càng cao. Các thức uống chứa đường thường chứa chất điều vị, hoặc chứa lượng đường cao sẽ thúc đẩy sản xuất purine và làm tăng acid uric máu.
4. Tránh các món tráng miệng, đồ ăn nhẹ vị ngọt
Tương tự như đồ uống có đường, trong món tráng miệng có mức fructose cao hơn sẽ làm tăng sản xuất axit uric, axit béo chuyển vị trong các món tráng miệng cũng khuyến khích các dấu hiệu bệnh gút phát sinh.
Ngoài ra, món tráng miệng giàu calorie, ăn quá nhiều có thể dễ dẫn đến béo phì và tăng insulin, ức chế bài tiết axit uric sẽ khiến cho axit uric trong cơ thể tăng lên. Vì vậy, những bệnh nhân gút tốt nhất nên ăn ít những món tráng miệng.
Cần nói rõ hơn là trước đây, người ta nghĩ rằng đậu là thực phẩm có purine cao, bệnh nhân gút nên ăn ít hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đậu và các chế phẩm đậu nành không có ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng axit uric huyết thanh và nguy cơ mắc bệnh gút.
Đây có thể là do các loại đậu có chứa các chất giúp bài tiết acid uricosuric, và mức purine có thể được giảm đáng kể trong quá trình chế biến các sản phẩm đậu nành. Vì vậy, bệnh nhân bệnh gút không cần phải cố ý tránh món đậu hoặc các sản phẩm đậu nành, tất nhiên cũng không khuyên nên ăn nhiều.
5 thứ tốt nhất nên ăn để phòng tránh và giảm nhẹ bệnh
1. Rau xanh và củ quả tươi
Càng ăn nhiều rau xanh, lượng axit uric trong huyết thanh càng thấp. Bình thường bạn có thể ăn nhiều hơn một số thực phẩm có ích cho bệnh nhân gút hoặc phòng bệnh gút gồm ngó sen, khoai sọ, khoai tây, nấm và các loại rau củ khác. Các loại trái cây cũng được xem là rất tốt cho bệnh gút, trong đó anh đào là quả giúp ngăn ngừa bệnh gút tốt nhất.
2. Cà phê
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống khoảng 250 ml cà phê (bao gồm cà phê nhạt, cà phê sữa, cà phê pha trộn) hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Lý do có thể là vì caffein có thể ức chế sản xuất axit uric của enzyme (xanthine oxidase) và do đó có thể làm giảm sản xuất axit uric.
3. Các chế phẩm từ sữa
Nghiên cứu khảo sát cho thấy, những người thường xuyên tiêu thụ các sản phẩm sữa sẽ giảm 44% tỷ lệ mắc bệnh gút so với những người không ăn các sản phẩm sữa. Tuy nhiên, hàm lượng chất béo cao trong sữa nguyên kem có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh gút.
Người bệnh nên uống sữa ít béo. Kiến nghị người bệnh nên sử dụng các loại sữa ít chất béo, sữa tách béo hoặc sữa thấp chất béo, sữa chua để làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Đây cũng là những loại chế phẩm sữa có thể yên tâm sử dụng.
4. Vitamin C
Uống mỗi ngày 500 mg vitamin C có thể làm giảm axit uric trong máu 20 microliter / lít, có tác dụng đáng kể và rõ ràng trong việc phòng ngừa bệnh gút.
5. Uống nhiều nước
Đối với bệnh nhân mắc bệnh gút, mỗi ngày cần bài tiết khoảng hơn 2000 ml nước tiểu thì mới có thể giúp làm giảm nồng độ acid trong nước tiểu, từ đó phòng tránh sỏi thận gây ra bởi acid uric. Bệnh nhân có thể uống đủ nước để đảm bảo lượng nước tiểu phù hợp
*Theo Health/People
Trí thức trẻ