MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận nghìn tỷ, ngân hàng vẫn lo nợ xấu

13-04-2021 - 08:22 AM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận nghìn tỷ, ngân hàng vẫn lo nợ xấu

Quý 1/2021, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận lớn, dù vậy, họ phải trích lập dự phòng rủi ro, đối mặt nhiều khoản vay không thu hồi được và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Đua nhau báo lãi

Kết thúc quý đầu năm 2021, một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) báo lãi cao gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý đầu năm 2021 đạt gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và đạt tới 43% kết quả của năm ngoái; SeABank lãi trước thuế đạt 698,3 tỷ đồng; HDBank có lãi trên 2.000 tỷ đồng…

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho biết, tổng doanh thu thuần của MSB khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong những ngân hàng đã hé lộ lợi nhuận quý 1, nhóm “Big 4” tiếp tục giữ vị trí cao, đứng đầu là VietinBank. Vietinbank ước lãi trước thuế quý đầu năm khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, chưa gồm phí trả trước từ hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cao hơn 135-175% so với cùng kỳ 2020. Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế quý 1 khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương 28% kế hoạch cả năm.

Soi từ lợi nhuận ấn tượng quý 1 vừa qua, ngân hàng đạt lãi lớn đến phần nhiều từ mảng dịch vụ, tiền gửi không kỳ hạn (CASA), bán lẻ. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, quý 1/2021, ngân hàng đạt lãi cao là do tỷ lệ biên lãi ròng tăng cao khi chi phí đầu vào giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lãi suất cho vay ra có giảm nhưng chưa theo kịp đà giảm của lãi suất huy động.

Cẩn trọng trước nguy cơ nợ xấu

Tiếp đà lợi nhuận từ quý 1, từ nay đến cuối năm, nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng. Tiêu biểu như Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN vừa được ban hành về cơ cấu nợ, giãn nợ, quy định về trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu của tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN bổ sung thêm các điều kiện để cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn. Cơ quan này cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021.

Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại.

Cảnh báo rủi ro dòng tiền

Dù ngân hàng đạt được lợi nhuận cao trong quý 1/2021 nhưng theo nhiều chuyên gia, thị trường tiềm ẩn nhiều dấu hiệu đáng cảnh báo, vì thời gian qua, do một phần dòng tiền đã chảy mạnh vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Trên TTCK , dòng tiền margin (tiền do công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay -PV) của các nhà đầu tư nội tăng vọt.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ra đời chủ yếu là để hỗ trợ ngành ngân hàng, khiến bức tranh lợi nhuận trở nên sáng sủa hơn thực tế. Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ tới lợi nhuận ngành này trong 3 năm tới, sự phân hoá thể hiện “khẩu vị rủi ro” của từng ngân hàng. Cụ thể, có thể hiểu với thông tư này, NHNN tiếp tục cho phép cơ cấu lại thời gian trả nợ cho doanh nghiệp mà vẫn được giữ nguyên nhóm nợ như ban đầu, không phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN về phân loại nợ thêm 1 năm nữa.

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, ông Hiếu khuyến cáo, các ngân hàng nên cẩn trọng hơn với nợ xấu, có lãi thì nên trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định hiện hành. Việc trích lập dự phòng giống như của để dành của các ngân hàng. Ngân hàng không làm trước thì cũng phải làm sau và không dùng trước thì sẽ được dùng sau. Ngân hàng trích lập dự phòng ít dẫn tới không hình dung đúng về thực trạng nợ xấu, cũng như lợi nhuận.



Theo Việt Linh - Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên