MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời thì bán mà lỗ lại không biết làm gì: Bài học trả giá bằng tiền mặt của "chứng sĩ" sau 1 tháng xem chart, ăn không ngon ngủ không yên

23-04-2022 - 14:55 PM | Lifestyle

Chứng khoán dạo này khiến anh em "chứng sĩ" chỉ biết đắp chăn mà ngủ thôi!

Cuộc sống của đa số các chứng sĩ hồi bắt đầu đầu tư chứng khoán đều kiểu: Thay vì mở mắt tỉnh dậy là check Facebook, thì bạn lại mở app để xem cái tài khoản của mình đang lên hay xuống. Thay vì ngồi quẹt Tinder dạo chơi thì lại ngồi ở WC văn phòng mở chart ra xem, thay vì thi thoảng tối đi gặp gỡ bạn bè thì lại ngồi nhà nghiên cứu thị trường xem chart hoặc bay vào các group chứng khoán chém gió.

Nhưng tình hình dạo này của các chứng sĩ thì kiểu: Ngày tắt thông báo của app, tối thì đúng 10h lên giường đắp chăn ngủ, ngay cả bảng chart cũng bị bỏ rơi y như cách người yêu cũ bỏ bạn vậy. Thị trường dạo này đúng kiểu "Chán không muốn nói!".

Anh bạn Lê Đức (25 tuổi, Ninh Bình) lỗ khoảng 6% sau 1 tháng, được bật mí là con số không hề nhỏ, chừng đó đã khiến Đức suy nghĩ, lo lắng, mất đi sự tự tin và nghi ngờ bản thân rất nhiều.

Tâm lý thay đổi rõ ràng khi bước chân vào chứng khoán

Tham gia thực tế vào thị trường khiến mình cảm nhận được rõ ràng sự thay đổi trong tâm lý: Hồi hộp, lo lắng đến thất vọng. Mình từng nói nếu lỗ thì coi như đây là quá trình và chi phí cho việc học.

Nhưng không, mình thường xuyên theo dõi giá cổ phiếu, quá thường xuyên: Khi tăng mình vui. Nhưng khi giảm, mình buồn, mình lo, thậm chí là siêu lo!

Lời thì bán mà lỗ lại không biết làm gì: Bài học trả giá bằng tiền mặt của chứng sĩ sau 1 tháng xem chart, ăn không ngon ngủ không yên - Ảnh 1.

Những cái "bẫy ngọt ngào" của chứng khoán

Mình dính một cái bẫy ngọt ngào, vì khi trước đó mình tham gia cổ phiếu mới lên sàn và ăn rất đậm. Check chart "con" này, rùng mình luôn ấy. Tuy nhiên, rất đậm là lãi suất, chứ không phải số tiền, vì lúc đó mình còn nhát nên chỉ dám mua một ít thôi.

Vậy nên mình đã rút kinh nghiệm. Lần sau mình đã múc một "con" mới lên sàn, và múc rất mạnh, đó chính là nơi mình chết quả đầu tiên, bay ngay 30% số tiền lúc đó mình có.

Các bạn đừng hỏi tại sao mình không cắt lỗ, khi đó nó "trắng bên mua", có muốn cắt lỗ cũng không được đâu.

Lần thất bại thứ 2 của mình, dù không đau đớn như lần đầu nhưng lại là một bài học lớn. Khi đó cả thị trường giảm 74 điểm, một cú đấm còn đau hơn cả Covid, cho mình thấy rõ rằng chứng khoán hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin của con người.

Lời thì bán mà lỗ lại không biết làm gì: Bài học trả giá bằng tiền mặt của chứng sĩ sau 1 tháng xem chart, ăn không ngon ngủ không yên - Ảnh 2.

Lần thứ 3, chứng khoán cho thấy rằng tư duy của mình là chưa đủ, khi mình dại dột không chịu chốt mấy bé dầu khí trên đỉnh, nên mất một phần lỗ rất lớn.

Mình lỗ thật rồi, lỗ to!

Bình thường, mình là người rất ít lo lắng, và mình biết lo lắng thôi cũng chẳng làm được gì. Thay vào đó, mình luôn nghĩ quan trọng nhất là tìm cách giải quyết việc đó như thế nào chứ không phải làm cho tinh thân mình căng thẳng, mất ăn mất ngủ và suy nghĩ tiêu cực.

Vậy mà, đùng cái, hơn 1 tháng trời mình lo lắng về số tiền đưa vào chứng khoán , điều mà trước kia mình xác định chỉ như là bài học nếu mất hết.

Vẫn nhớ những hôm giá giảm, mình nghĩ đây chỉ là tạm thời thôi, luôn hi vọng ngày mai, ngày kia, không thì ngày kia nữa, giá sẽ lại tăng. Cả tuần giá giảm nhưng mình chỉ nghĩ đây là điều ngắn hạn mà thôi.

Nhưng thế nào mà ngày nào cũng thấy đỏ hoài như vậy, có xanh cũng chỉ là chút xíu vào đầu ngày. Nó cứ đỏ đỏ xanh xanh rồi lại xanh xanh đỏ đỏ. Chỉ sau 2 tuần, mình thực sự hết chịu nổi. Tình trạng này kéo dài sau 1 tháng, khi đó mình biết: Mình lỗ thật rồi, lỗ to!

Những ngày thường xuyên xem giá, theo sát mã cổ phiếu, khi có chút lãi mình nóng lòng muốn bán ra với suy nghĩ, có thể đây là mức lợi nhuận tối đa của mã này rồi - mình nghĩ thế. Mình thực sự mất hết kiên nhẫn, muốn bán ra hết rồi mua mã mới đầu tư cho rồi.

Khi lỗ mình càng khó chịu hơn, tự trách mình sao không bán ra sớm hơn, như thế rồi thì lại càng lo lắng và mất kiên nhẫn.

Lời thì bán mà lỗ lại không biết làm gì: Bài học trả giá bằng tiền mặt của chứng sĩ sau 1 tháng xem chart, ăn không ngon ngủ không yên - Ảnh 3.

Những suy nghĩ này đi ngược lại hết những gì mình đặt ra ban đầu. Để rồi sau đó mình nhận ra rằng, kiến thức về tài chính, kinh tế, đầu tư là không đủ, mà còn là sự kết hợp giữa tâm lý và đầu tư.

Lãi thì nên bán, vậy khi lỗ mình làm gì?

Trong 1 tháng hiểu được thế nào là nhìn tiền trong túi cất cánh bay đi, mình nhận ra rằng, có mục tiêu đầu tư là rất quan trọng, điều quan trọng là phải xác định giới hạn và nguyên tắc của bản thân: bao giờ thì mua, bao giờ thì bán, lãi bao nhiêu là được, lỗ bao nhiêu thì cắt, nếu lãi thì nên bán, vậy khi lỗ cần làm gì?

Và phải thực sự kiên định với những nguyên tắc này!

Lời thì bán mà lỗ lại không biết làm gì: Bài học trả giá bằng tiền mặt của chứng sĩ sau 1 tháng xem chart, ăn không ngon ngủ không yên - Ảnh 4.

Một số những "lý thuyết suông" cực kỳ hữu ích bạn có thể cân nhắc:

Xác định lại mục tiêu của mình

Sau những lần lỗ đầu tiên, mình nhận ra rằng mình mất phương hướng và nghi ngờ bản thân, vì mục tiêu mình đặt ra không rõ ràng. Khi mới vào thị trường, mình ham lướt sóng, mình ham lời nhanh, mà quên rằng điều mình muốn là tiền đẻ ra tiền một cách đều đặn và ổn định, lãi khoảng 10-30%/ năm cho mỗi mã.

Chính vì quên đi cái mục tiêu ban đầu đó, tâm lý của mình rơi vào trạng thái bất ổn. Khi dành thời gian nhìn nhận lại mục tiêu ban đầu, đó là thứ kéo mình lại với con đường đầu tư lâu dài.

Lựa chọn phương pháp phân tích

Trước hết, bạn cần xác định được mục tiêu là đầu cơ hay đầu tư lâu dài, hoặc muốn ham vui lướt sóng, sau đó, bạn cần phải có cho mình phương pháp phân tích hợp lý.

Để kiếm tiền được lâu dài, tạo ra giá trị thì cần tìm hiểu về phân tích báo cáo tài chính, định giá, doanh nghiệp và học cách kiểm soát tâm lý khi đầu tư. Nên đầu tư nắm giữ doanh nghiệp dài hạn thường từ 1 năm (đối với doanh nghiệp đang trong thời gian chuyển mình và tái cấu trúc), hoặc 3-4-5 năm với các doanh nghiệp đang tăng trưởng. Để có niềm tin nắm giữ như thế, thì bạn cần phải phân tích thật kỹ và có chiến lược mua bán.

Cắt lỗ?

Đấy, cắt lỗ không nhanh và chuẩn thì chỉ có nước ra bờ ngồi nhìn đám chứng trắng xóa thôi.

Có một sự thật rằng, nếu bạn đánh mất khoảng 30% vốn, thì bạn phải cần kiếm lại khoảng 50% số tiền đang có để có thể về số vốn ban đầu, càng để lâu nỗi đau càng dai dẳng, hãy chấm dứt cuộc tình đó để bắt đầu với một "chiến mã" xứng đáng hơn, tốt hơn người cũ kia.

Tâm lý

Sau tất cả, không biết có ai thắc mắc như mình không? Rằng khi mọi thứ vẫn có vẻ ổn, vẫn ăn nên làm ra, thị trường xuống mà cầm cash thì sao không chuẩn bị bắt đáy, thì đây là lời tâm sự thật của mình.

Mình muốn gửi những lời này đến các bạn mới đầu tư, chuẩn bị đầu tư hoặc đầu tư lâu rồi mà vẫn chốt theo cảm tính: Nếu các bạn đã quyết định tham gia vào thị trường chứng khoán, thì hãy tự học hoặc đi học, học cho đàng hoàng, học cho chuẩn chỉ, dù cho bạn đang tham gia đầu tư hay đầu cơ.

Lời thì bán mà lỗ lại không biết làm gì: Bài học trả giá bằng tiền mặt của chứng sĩ sau 1 tháng xem chart, ăn không ngon ngủ không yên - Ảnh 5.

Tinh thần vững vàng rất quan trọng, ý mình không phải để nó giúp bạn kiếm tiền, mà là giúp cho cuộc sống của bạn không bị xáo trộn bởi màu xanh và màu đỏ.

Nếu các bạn chỉ là dân nghiệp dư, tâm lý không vững vàng, cũng chẳng biết mục tiêu của mình là gì, thì cái bảng xanh xanh đỏ đỏ đó chính là chất lượng cuộc sống của bạn.

Về mặt lý thuyết là vậy, riêng mình thì chọn cách nhanh hơn. Đắp chăn đi ngủ, quên hết sự đời, không muốn làm cái gì cả!

Ảnh minh hoạ

Theo Mint

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên