MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lối thoát" nào cho các ngân hàng 0 đồng?

20-01-2020 - 08:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Bước sang năm 2020, các ngân hàng đua nhau công bố thưởng Tết, nhưng các ngân hàng 0 đồng vẫn "im hơi lặng tiếng". Vậy các ngân hàng này đang "làm ăn" ra sao?

Ngậm ngùi ở ngân hàng 0 đồng

Đã 5 năm nay, các cán bộ, nhân viên của các ngân hàng 0 đồng chỉ ăn Tết lặng lẽ và cảm thấy rất ngậm ngùi khi thấy nhiều ngân hàng khác đua nhau công bố mức thưởng Tết cho các cán bộ, nhân viên của mình. Không chỉ không có thưởng Tết Nguyên đán, mà các ngân hàng 0 đồng cũng chẳng có thưởng Tết dương lịch cũng như không có tháng lương thứ 13...

"Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, thu hồi nợ xấu để giảm lỗ lũy kế, do vậy lương nhân viên ở mức thấp nhất trong ngành. Chúng tôi không có thưởng, vì không có quỹ phúc lợi… Chúng tôi chỉ hy vọng ngân hàng sớm thực hiện tái cơ cấu thành công để đời sống cán bộ, nhân viên của ngân hàng được cải thiện"- một cán bộ GP.Bank chia sẻ.

Được biết, từ tháng 3/2015, NHNN lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với các ngân hàng gồm Ngân hàng Xây Dựng (VNCB, nay đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Theo NHNN, tính đến thời điểm hiện nay, các hoạt động nói chung của 3 ngân hàng trên đều đã ổn định. Nợ xấu, tài sản không sinh lời của những ngân hàng này bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi mới được gia tăng, tình trạng khách hàng rút tiền hàng loạt chấm dứt, quản trị điều hành được củng cố lại.

Dù được nới lỏng, song các ngân hàng trên vẫn có sự tham gia trực tiếp trong quản trị, điều hành, cũng như chia sẻ và hỗ trợ trong kinh doanh của Vietcombank, VietinBank cùng sự giám sát chặt chẽ của NHNN với tư cách là chủ sở hữu.

Trên thực tế, cho đến nay tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này vẫn trong vòng bí mật, các chỉ số về tài chính vẫn chưa minh bạch vẫn đang là dấu hỏi sau 05 năm tái cấu trúc…

"Khao khát" thu hồi nợ xấu

Trong 5 năm qua, CBBank vẫn hoạt động đầy đủ các mảng và tập trung thu hồi những khoản nợ lớn và đã gặt hái những kết quả khả quan. Ước tính đến hết năm 2019, CBBank đạt tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng ròng gần 4.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018; doanh số tín dụng tăng ròng trên 1.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Đặc biệt, công tác xử lý, thu hồi nợ xấu được coi là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu CBBank, số liệu luỹ kế tính đến 30/11/2019 đạt trên 5.500 tỷ đồng đối với nhóm nợ thu hồi theo bản án và trên 800 tỷ đồng thu hồi nhóm nợ nhỏ lẻ.

Trong khi đó, hoạt động của GPBank vẫn đang là ẩn số. Theo ông Phạm Huy Thông – Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc GPBank cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, số dư huy động vốn của GPBank trên thị trường 1 đã tăng đáng kể so với đầu năm 2019, thanh khoản dồi dào. Song song với hoạt động huy động vốn, các chỉ tiêu: dư nợ cho vay và phát triển khách hàng mới đều ổn định qua từng tháng. Các hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, thẻ... cũng có sự tăng trưởng đáng kể về doanh số.

Trong số 3 ngân hàng 0 đồng, thì OceanBank có vẻ được đánh giá cao nhất. Ông Ngô Anh Tuấn, Tổng Giám đốc OceanBank cho biết, trong năm 2019 hoạt động xử lý thu hồi nợ xấu vượt 47% kế hoạch trình NHNN phê duyệt; tổng huy động vốn tăng so với thời điểm 06/5/2015, trong đó huy động khách hàng bán lẻ đã tăng 52%; Cho vay khách hàng bán lẻ tăng lên đến 247%. Trong đó, gần 90% là cho vay vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nhu cầu mua nhà thiết yếu… Năm 2020, OceanBank tiếp tục xây dựng mô hình hoạt động kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chí tín dụng an toàn…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thông tin được công bố một chiều. Do đó, dự luận đang khát khao được thấy kết quả kiểm toán các ngân hàng này như Tổng kiểm toán Nhà nước đã có kế hoạch thực hiện trong năm 2020.

Giải pháp cho ngân hàng 0 đồng

Nhiều chuyên gia cho rằng, để sớm vực dậy các ngân hàng 0 đồng, cần đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng này. Tuy nhiên, không nên dùng ngân sách để tái cơ cấu các ngân hàng này, mà cần kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu các ngân hàng này.

Được biết trong buổi làm việc trước đây với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn J Trust cho biết, tập đoàn này muốn tham gia tái cơ cấu ngân hàng CB. Theo đó, Tập đoàn J Trust sẽ không chỉ tham gia góp vốn, mà sẽ hỗ trợ CB về mặt công nghệ, nghiệp vụ tài chính. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin nào về thương vụ này.

Còn nhớ hồi cuối năm 2019, GPBank thông báo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhằm tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên do tình hình hoạt động của GPBank thiếu minh bạc, nên chưa có thông tin nào cho thấy ngân hàng này đã kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược.

Trên thực tế, việc tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng đang gặp nhiều khó khăn, kể cả khi các ngân hàng này tìm được đối tác chiến lược.

Theo quy định hiện hành, các phương án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém phải xin ý kiến của rất nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, việc xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan tốn rất nhiều thời gian, nên cơ hội hợp tác với nhà đầu tư chiến lược, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị bỏ lỡ. Đó cũng là một trong những lý do chưa có ngân hàng 0 đồng nào ký kết thoả thuận với nhà đầu tư nước ngoài.

Với những khó khăn trên, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, muốn đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng, không phải một mình NHNN làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành có liên quan. Đặc biệt đối với quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ liên quan đến các vụ án kinh tế, cần phối hợp với nhiều cơ quan chức năng.

"Cần tăng thêm quyền cho NHNN trong việc phê duyệt đề án tái cơ cấu của các ngân hàng 0 đồng để giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt phương án để giúp nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm được cơ hội hợp tác nhanh hơn. Điều quan trọng là NHNN cần tích cực hơn nữa trong việc đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Theo Hà Phương

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên