MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Long An dẫn đầu về thu hút vốn FDI quý 1/2021

Long An dẫn đầu về thu hút vốn FDI quý 1/2021

Trong quý 1/2021, tỉnh Long An thu hút gần 3,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Ông Huỳnh Văn Sơn - Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An cho biết, trong tổng vốn gần 3,2 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vào Long An thì Dự án Nhà máy Điện khí LNG Long An I và II có tổng vốn đăng ký lớn nhất với trên 3,1 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng trong quý 1/2021, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án mới và có thêm 6 dự án tăng vốn thuộc khu vực FDI. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.111 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 9,17 tỷ USD, trong đó có 588 dự án hoạt động, chiếm gần 53% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỷ USD, đạt 39,4% tổng vốn đăng ký.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An, bên cạnh dòng vốn FDI, trong quý 1/2021, Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 46 dự án trong nước với số vốn đăng ký 1.772 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 2.058 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 245.272 tỷ đồng.

Phát triển vùng kinh tế công nghệ cao

Tại Tọa đàm "Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao", do UBND tỉnh Long An tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, Long An là tỉnh có vị trí rất đặc biệt, vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, với dân số đứng thứ 16/63, diện tích đứng thứ 34/63 và quy mô kinh tế đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực ĐBSCL, tiếp giáp với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Đồng thời là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với lợi thế có 133 km đường biên giới với Campuchia... và có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa.

Long An dẫn đầu về thu hút vốn FDI quý 1/2021 - Ảnh 1.

Theo giới chuyên gia Vùng kinh tế công nghệ cao của Long An sẽ phù hợp nhất nếu được đặt tại khu vực Cảng quốc tế Long An kéo dài đến H.Cần Đước.

Ngoài lợi thế lớn về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông phát triển, Long An cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cho khu vực Đông Nam Bộ; có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, Long An đã có 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động; phát triển kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch... với trình độ phát triển ngày càng cao, áp dụng các mô hình quản trị bằng công nghệ thời đại 4.0 trong nước và trên thế giới.

Mặt khác, Long An được hưởng nguồn nước ngọt của hai hệ thống sông Cửu Long và Đồng Nai rất thuận lợi cho phát triển ngành thủy sản, cung cấp phù sa, nước ngọt, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp; cửa sông Soài Rạp hướng ra Biển Đông với Cảng Quốc tế Long An.

Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa - kinh tế, điều kiện tự nhiên, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cho cả vùng, khu vực.

"Để Long An sớm phát triển thành vùng kinh tế công nghệ cao, tỉnh cần thực hiện quyết liệt hơn nữa chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics; tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng thành công chính quyền điện tử", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Đình Đại

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên