Long An: Xác xơ những trại heo "dính" dịch
Một số hộ chăn nuôi heo ở Long An bắt đầu mất ăn mất ngủ từ ngày 16/6/2019, khi ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên bùng phát tại huyện Đức Hòa.
- 19-08-2019Hai container thịt lợn tại cơ sở làm giò chả nhiễm dịch tả châu Phi
- 18-08-2019Chế phẩm sinh học trong chăn nuôi ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi
- 17-08-2019Giá thịt lợn Trung Quốc tăng cao do dịch tả lợn châu Phi
Tính đến ngày 26/8, dịch tả heo châu Phi đã tấn công hơn 700 trang trại và hộ nuôi heo của 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 20.500 con, tổng trọng lượng tiêu hủy trên 1.500.000 kg…
Trại heo của bà Đoàn Thị Thúy Uyên ở xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ có 63 con, trong đó có 3 con heo nái. Bà cho biết, 7 năm nay, từ khi bắt đầu nuôi heo, trại nhà bà chưa một lần dính dịch LMLM hay tai xanh bởi luôn tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng.
Nước mắt lăn dài trên má, bà Uyên sụt sùi: “Ngay từ khi nghe tin dịch tả heo châu Phi vào đến Đồng Nai là tôi đã tự bỏ tiền mua thuốc sát trùng, cách ngày là xịt quanh chuồng heo 1 lần. Trại của tôi có quy trình khép kín, cả nhà chỉ mình tôi được ra vô. Cầm cự vậy mà bỗng 9 con bỏ ăn rồi 26/8 lăn ra chết. Vừa tiêu hủy xong, chưa bình tâm thì bữa nay lại thêm 1 con nái cũng bỏ ăn nữa rồi…”.
Những dãy chuồng trước đây nuôi cả trăm heo giờ trống trơn vì dịch.
Ông Trần Văn Linh ở ấp 2 xã Hòa Phú, huyện Châu Thành là bác sĩ thú y. Trại heo của ông được thực hiện phòng ngừa vô cùng kỹ càng. Vậy mà nay, trại 770 con, trong đó 76 con heo nái, giờ “đi hết” chỉ còn duy nhất 1 con heo nái và 108 con heo thịt.
Ông Linh cho biết, bà con chăn nuôi được tập huấn rất kỹ trước khi dịch lây lan đến tỉnh nhà nhưng khi đã đến là “nó” quất rất nhanh. Phòng ngừa kỹ cỡ nào mà chừng dịch đến là ngơ ngác, tìm không ra nguyên nhân. Lúc đầu đổ tại mấy cha thương lái vào bắt heo, nhưng rồi nhà ông Dề ở mút trong sâu, không bán con nào mà cũng lăn ra chết cả bầy.
Ông Đoàn Đức Dề, ấp 4, xã Hòa Phú cho biết, tổng đàn heo nhà là 413 con. Vừa nghe tin dịch tới Long An là ông rải vôi tới tấp quanh nhà, quanh trại, thuốc sát trùng phun liên tục. Mỗi ngày chi phí phòng ngừa hơn 200 ngàn đồng.
Bà Minh Thu, vợ ông Dề cho biết thêm, dịch vừa đến huyện, nghe người ta mách thuốc Sal Curb của Mỹ có thể ngăn chặn được dịch, bà đã bỏ hơn 3 triệu đồng mua thùng thuốc 25 lít pha nước tắm cho heo mỗi ngày, mua thêm thuốc kháng sinh của Sal Curb trộn vào thức ăn để “chặn từ trong ra ngoài”. Heo ăn đủ, được tắm đều từng ngày, vậy mà khi thùng thuốc gần hết thì chúng “ra đi” hơn nửa.
Bà Minh Thu mua thuốc để phòng dịch nhưng heo đã "ra đi" gần hết. |
Ông Linh chia sẻ, dịch tấn công thì heo nái "đi" nhanh nhất, ban đầu 1, 2 con, chích hạ sốt và kháng sinh phổ rộng, thấy heo hạ sốt tưởng đỡ nhưng từ đó nó nằm cho đến lúc "đi" luôn. Heo chết cấp tốc, cứ bỏ ăn 1 - 2 ngày là "đi". Ngày đầu chết 1 con thì 2, 3 ngày sau là hàng loạt con nằm như ngả rạ.
Ông Bùi Văn Hòn, Chủ tịch xã Hòa Phú cho biết, tổng đàn heo của xã trước dịch gần 6.000 con, trong 30 ngày chống dịch vừa qua, đã tiêu hủy gần 1.500 con, kết quả test của 9 hộ vừa báo về dương tính cho thấy, từ đây đến 15/9 dự kiến có khoảng 1.000 con heo dính dịch nữa… Suốt một tháng qua, chúng tôi không làm ăn gì được ngoài việc tập trung tiêu hủy heo.
Bà Võ Thị Kiều Oanh, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Long An cho biết, tính đến ngày 28/8 toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 20.000 con heo bị dịch tả trên tổng đàn nuôi 195.000 con. Trong đó, có 5 hộ có trên 500 con bị dịch, 11 hộ có số heo chết từ 200 đến dưới 500 con, 30 hộ có từ 100-200 con heo chết… Các huyện Đức Hòa, Tân Thạnh, Bến Lức là địa phương bị nặng nhất.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số hộ có heo nhiễm bệnh ngày càng nhiều. Các xã qua 30 ngày và chưa phát sinh ca bệnh mới đều là xã có tổng đàn heo thấp, chăn nuôi rải rác. Tuy nhiên khả năng tái phát dịch tại các địa phương này rất cao vì đa phần điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học và đặc biệt chưa có vacxin phòng dịch.
Bà Thúy Uyên khẳng định chỉ nuôi tái đàn khi có vacxin tả heo châu Phi. |
Ông Trần Văn Linh khẳng định, chừng nào nhà nước cho nuôi lại tôi cũng phải cân nhắc. Tôi nuôi heo từ 2011 đến nay. Đợt heo xuống giá năm 2016, 2017 mỗi tháng lỗ mấy chục triệu. Nhờ giá heo năm 2018 kéo lại, nào ngờ sang 2019 te tua, tan tác. Hiện giá một heo nái hậu bị đã hơn 6 triệu, vốn nuôi nặng lắm. Có chứng kiến cảnh heo chết dịch mới hiểu vì sao không dám tái đàn dù giá lên. Tôi đang tính chuyển sang nuôi vịt.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, việc tái đàn với người chăn nuôi hiện rất khó. Hướng chuyển sang ngành nghề nào cũng phải cân nhắc sao cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng chắc chắn một điều, Long An sẽ khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tái đàn, khuyến khích các hộ chăn nuôi lớn và nuôi theo phương pháp an toàn sinh học.
Nông nghiệp Việt Nam