MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Long đong số phận “Đường sắt đô thị xuyên tâm Hà Nội”

Long đong số phận “Đường sắt đô thị xuyên tâm Hà Nội”

Từ 26.116 tỷ lên 47.890 tỷ, Metro Bến Thành - Tham Lương vẫn còn “tắc” hợp đồng với tư vấn IC

Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, kỹ thuật - công nghệ mới, quá trình triển khai đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc...

Đó là những điểm chính mà Chính phủ nêu trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra.

Với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 19.046 tỷ đồng, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, vì vậy hàng năm Chính phủ phải báo cáo tình hình của dự án này, tương tự như các dự án mà BizLIVE đề cập lần lượt vừa qua.

Hợp đồng triển khai từ 2009, rồi dở dang…

Mục tiêu dự án là cải thiện tình trạng giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội và nâng cao năng lực khai thác đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm đạt các yêu cầu cơ bản sau: phục vụ chạy tàu khách thống nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị.

Quy mô dự án là xây dựng tuyến đường sắt đô thị sử dụng chung giữa đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm.

Về nội dung đầu tư chính/các hạng mục đầu tư chính, theo báo cáo, giai đoạn lập dự án đầu tư gồm: Xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi quy mô khoảng 95 ha để di chuyển về đây các đơn vị của ngành đường sắt tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát và là đầu mối phía Nam của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Và xây dựng đoạn cầu cạn từ ga Giáp Bát đến ga Gia Lâm với chiều dài 11,5km và cầu đường sắt vượt sông Hồng; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị đồng bộ cho dự án (hệ thống điện, thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe điện...).

Giai đoạn thiết kế kỹ thuật: Xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi với quy mô khoảng 171ha với mục tiêu đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát (phần đất để xây dựng các khu chức năng trong tổ hợp là 110,4ha).

Và xây dựng đoạn tuyến cầu cạn từ ga Giáp Bát đến ga Gia Lâm với chiều dài 11,5km và cầu đường sắt vượt sông Hồng; Mua sắm, lắp đặt trang thiết bị đồng bộ cho dự án (hệ thống điện, thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe điện...).

Giai đoạn điều chỉnh dự án: Tập trung xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi trên diện tích khoảng 151,8 ha/171 ha quy hoạch với mục tiêu trước mắt đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát (trong đó phần đất để xây dựng các khu chức năng trong tổ hợp là 95,2ha với rất nhiều hạng mục).

Về tổng mức đầu tư, giai đoạn lập dự án đầu tư: Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 19.460 tỷ đồng (tương đương với 147.699 triệu Yên). Trong đó, vốn vay ODA là 13.972 tỷ đồng (106.053 triệu Yên), vốn đối ứng là 5.487 tỷ đồng (41.646 triệu Yên).

Giai đoạn thiết kế kỹ thuật: Dự kiến khoảng 65.175 tỷ đồng (đã được tư vấn thiết kế kỹ thuật tính toán, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Giai đoạn điều chỉnh Dự án: Tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 19.046 tỷ đồng (tương đương 95,35 tỷ Yên). Trong đó, vốn vay ODA là 72,410 tỷ Yên, vốn đối ứng là 4.582 tỷ đồng.

Cập nhật tình hình, báo cáo cho biết, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện từ năm 2009, đến nay đã giải phóng được 130 ha đất tại khu Tổ hợp Ngọc Hồi với tổng giá trị giải ngân 1.097 tỷ đồng; đã hoàn thành xây dựng khu tái định cư tại xã Liên Ninh năm 2013.

Lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật thì Thiết kế kỹ thuật khu Tổ hợp Ngọc Hồi đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (chủ đầu tư trước đây) ký Hợp đồng với Liên danh tư vấn JKT để triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên, sau vụ việc liên quan đến tư vấn JTC của phía Nhật Bản năm 2014, Hợp đồng với JKT được chấm dứt vào ngày 22/5/2017.

Do hồ sơ thiết kế kỹ thuật của tư vấn JKT chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên chưa đủ cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành của tư vấn. Đến nay, hợp đồng thực hiện thiết kế kỹ thuật của tư vấn chưa được thanh lý, quyết toán nên chưa có cơ sở mời thầu, tiếp tục hoàn thiện thiết kế kỹ thuật của khu tổ hợp Ngọc Hồi.

Vắng mặt trong kế hoạch bố trí vốn đầu tư công 2021-2025

Báo cáo nêu rõ, đây là tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004. Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, kỹ thuật - công nghệ mới, quá trình triển khai đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt mới vượt sông Hồng; điều chỉnh hướng tuyến đoạn Gia Lâm đến ga Nam Long Biên để phù hợp với vị trí cầu mới; vướng mắc trong công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, vướng mắc về cơ chế tài chính…

Mặt khác, với việc điều chỉnh dự án đang trong quá trình thực hiện thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (tổng mức đầu tư >10.000 tỷ đồng) còn nhiều ý kiến băn khoăn về thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng để báo cáo Quốc hội tương tự như các dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, đây là dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan chủ quản đầu tư là Bộ Giao thông vận tải hay UBND TP.Hà Nội nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đường sắt; làm rõ cơ chế tài chính của dự án (nhất là cơ quan vay lại) để hạn chế các vướng mắc theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công; làm rõ khả năng giải ngân của Hiệp định vay; xem xét điều chỉnh công năng các ga đường sắt trong khu đầu mối thành phố Hà Nội…

Với các vướng mắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất không gia hạn Hiệp định vay VN12-P4; đồng thời chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP.Hà Nội nghiên cứu, thống nhất về quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt qua địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó có định hướng phát triển tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện nay, theo kết quả lập quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất đường sắt quốc gia sẽ không đi vào khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, phía Nam sẽ dừng tại Ngọc Hồi, phía Bắc dừng tại Yên Viên và tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên chỉ đáp ứng công năng đường sắt đô thị. Nội dung quy hoạch nêu trên đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sau khi quy hoạch được duyệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải bàn giao dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP.Hà Nội để tiếp tục triển khai đảm bảo tính đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị khác, tạo thuận lợi trong việc điều hành, kết nối với hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố và phù hợp với quy định của Luật Đường sắt, Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công.

Với những vấn đề như trên, hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 không bố trí vốn cho dự án, báo cáo cho biết.

Tổng mức đầu tư dự án:

- Giai đoạn lập dự án đầu tư: Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 19.460 tỷ đồng (tương đương với 147.699 triệu Yên). Trong đó: vốn vay ODA là 13.972 tỷ đồng (106.053 triệu Yên), vốn đối ứng là 5.487 tỷ đồng (41.646 triệu Yên);

- Giai đoạn thiết kế kỹ thuật: Dự kiến khoảng 65.175 tỷ đồng (đã được tư vấn thiết kế kỹ thuật tính toán, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt).

- Giai đoạn điều chỉnh Dự án: Tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 19.046 tỷ đồng (tương đương 95,35 tỷ Yên). Trong đó: vốn vay ODA là 72,410 tỷ Yên, vốn đối ứng là 4.582 tỷ đồng.

 

Theo Tuấn Anh

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên