Lừa chuyển tiền con cấp cứu: Có trách nhiệm của nhà trường vì để lộ lọt thông tin
Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh có con theo học tại các trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM cho biết, đã nhận được những cuộc gọi từ số lạ thông báo con em họ bị tai nạn, té ngã, phải cấp cứu. Đồng thời yêu cầu chuyển vài chục đến vài trăm triệu đồng để cứu chữa cho các bé.
- 08-03-2023Long Chun tận mắt chứng kiến vụ lừa đảo báo con bị ngã chấn thương, chuyển tiền gấp: Có cả ekip diễn xuất, cần cảnh giác cao độ
- 07-03-2023Màn kịch khóc lóc qua điện thoại, đóng vai từ cô giáo đến bác sĩ để lừa phụ huynh chuyển tiền
- 07-03-2023Một phụ huynh công khai số tài khoản và điện thoại của đối tượng tự nhận là "thầy thể dục", thông báo con té xỉu hôn mê để lừa tiền
- 06-03-2023Cú lừa của ‘Nữ hoàng Airbnb’: Cuỗm 1,7 tỷ đồng của chủ nhà và nhân viên, bị kiện ra tòa liền cao chạy xa bay
Thông tin thêm về thủ đoạn lừa đảo mới có phần tinh vi này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi nhanh với TS. Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm.
PV : Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh bị lừa bởi những cú điện thoại báo con em bị thương, bị cấp cứu và yêu cầu chuyển tiền. Ông có nhận định gì về hành vi này?
TS. Đoàn Văn Báu : Chúng ta biết thông tin cá nhân rất quan trọng, thông tin của học sinh quốc tế còn quan trọng hơn. Các thông tin này là ngày tháng năm sinh, lớp học thậm chí có đặc điểm nhân thân, nghề nghiệp, số điện thoại của phụ huynh…
Khi các thông tin này bị lộ lọt ra ngoài thì sẽ cực kỳ nguy hiểm, các đối tượng sẽ dựa vào đây để thực hiện hành vi lừa đảo.
Ở Việt Nam, ở các trường quốc tế, phụ huynh đa số là khá giả, có địa vị và có điều kiện kinh tế mới gửi con em vào được. Chính tâm lý này, khi nhận được cuộc gọi, dù có tin hay không thì họ cũng sẽ thực hiện những việc cần thiết để cứu con mình.
Đây có thể gọi là thủ đoạn lừa đảo mới, khác biệt là đối tượng được nhắm tới là học sinh, là phụ huynh của các trường quốc tế với số tiền lừa đảo khá lớn, thực hiện trót lọt nhanh chóng.
Các đối tượng này đã nghiên cứu rất kỹ về tâm lý, thói quen, điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh các trường quốc tế để thực hiện hành vi lừa đảo.
Khi thực hiện, xác suất thành công rất cao vì trong tâm lý cứu con em của mình thì ai cũng sẽ chuyển tiền. Do có điều kiện nên họ sẵn sàng chuyển tiền ngay mà không cần phải kiểm tra, đối chiếu trong tình huống cấp bách.
Tin nhắn của người tự xưng giáo viên nhắn lừa phụ huynh chuyển tiền khi con đang cấp cứu. Ảnh: Tiền phong
PV : Để có thể hạn chế được thiệt hại, thất thoát kinh tế khi gặp phải những trường hợp này thì các phụ huynh cần làm gì? Các cơ sở giáo dục nơi quản lý thông tin cá nhân cần phải chịu trách nhiệm ra sao?
TS. Đoàn Văn Báu : Tôi suy đoán các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo này có thể là người trong nội bộ trường hoặc là người nắm giữ các thông tin của học sinh, phụ huynh. Do đó khâu quản lý thông tin, dữ liệu của học sinh lẫn phụ huynh từ nhà trường cần phải được xem xét lại và nhà trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Về phía phụ huynh, đương nhiên gặp tình huống đó thì đa số sẽ bối rối. Nhưng cho dù bối rối thế nào cũng cần phải trấn tĩnh lại vì nếu giả sử con em chúng ta được đưa vào bệnh viện rồi thì dù có chuyển tiền hay không thì bệnh viện vẫn phải thực hiện việc các thao tác cứu chữa. Không thể có tình trạng bé đang nguy cấp, phụ huynh không chuyển tiền thì bệnh viện không cứu nên chúng ta cần thực sự bình tĩnh.
Khi bình tĩnh, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra bằng cách gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm, thầy cô bảo mẫu, hiệu trưởng, hoặc phó hiệu trưởng. Chỉ cần 1 cuộc điện thoại là chúng ta hoàn toàn có thể xác minh được con em có bị tai nạn không.
Trong bất kỳ tình huống cấp bách, nguy cấp nào thì chúng ta cũng cần phải gọi điện thoại về nơi quản lý con em mình để làm rõ thông tin trước khi thực hiện các thao tác khác. Lo lắng cho con em là đúng nhưng cần tỉnh táo để tránh bị lừa.
PV : Qua những vụ việc thế này chúng ta đặt ra câu hỏi lớn về công tác quản lý thông tin. Từ tình trạng thông tin lộ lọt đã dẫn đến nhiều vụ lừa đảo. Theo ông, công tác quản lý an toàn thông tin cá nhân cần phải siết chặt như thế nào?
TS. Đoàn Văn Báu : Tôi thấy rằng, chúng ta đang có một lỗ hổng. Ví dụ trong các trường quốc tế thì ngoài công tác quản lý thông tin phụ huynh thì các phụ huynh vẫn tự lập ra các group zalo để trao đổi, tương tác với nhau.
Trong số các phụ huynh đó, không thể xác định được trường hợp cố tình lộ lọt hoặc vô ý làm lộ lọt thông tin, việc này rất nguy hiểm. Trong các trường học chúng ta cần siết chặt quản lý, bảo mật thông tin rất chặt chẽ để tránh lộ lọt ra bên ngoài.
Điều quan trọng nữa là khi thực hiện quản lý thông tin cá nhân cần có trách nhiệm phân cấp quản lý và tuyển chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực để quản lý các nguồn thông tin quan trọng này
PV : Xin cám ơn ông!
VOV