MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúa gạo bí đầu vào đầu ra

20-03-2017 - 22:00 PM | Thị trường

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang từ một quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo đã mất dần vị thế này. 2 trong nhiều nguyên nhân là những rào cản về hạn điền trong tích tụ ruộng đất để tiến tới sản xuất lúa gạo hàng hóa, và đầu ra - hoạt động xuất khẩu của ngành sản xuất lúa gạo vẫn còn quá nhiều rào cản.

Sự hỗ trợ không đến nông dân

Để giữ đất trồng lúa, năm 2015 Chính phủ đã ban hành quy định hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa và 500.000 đồng/ha/năm với đất trồng lúa khác. Đồng thời, Chính phủ cũng hỗ trợ thu mua tạm trữ để đảm bảo lợi nhuận, xác định chi phí sản xuất, xác định giá sàn thu mua tạm trữ, hỗ trợ lãi suất cho DN thu mua lúa gạo tạm trữ.

Hiện nay việc xây dựng ngành lúa gạo hàng hóa, phát triển theo tín hiệu thị trường, mang lại lợi ích tối đa cho nông dân, Nhà nước đang vướng những rào cản trong cả đầu vào và đầu ra. Vì thế, đã đến lúc bỏ quy hoạch vùng phát triển lúa gạo trên diện rộng để tập chung vào những địa bàn có tiềm năng. Đầu vào của lúa gạo hàng hóa là đất đai cần tháo bỏ quy định về hạn điền. Đầu ra của ngành cũng cần tháo bỏ các điều kiện không cần thiết với DN tham gia xuất khẩu lúa gạo.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Ispard

Nhưng do Nhà nước không thu mua trực tiếp từ nông dân nên họ không được hưởng lợi toàn bộ hỗ trợ. Điều này kéo theo bất lợi là khi giá lúa gạo thế giới tăng, DN xuất khẩu vẫn mua theo giá tạm trữ để đảm bảo tỷ xuất lợi nhuận 30% trong thu mua của DN.

Hệ quả, giá gạo Việt Nam đang thấp nhất khu vực, năm 2015 sản lượng xuất khẩu tăng 0,3%, lượng xuất khẩu tăng 3,6%, nhưng giá trị xuất khẩu giảm 4,9% so cùng kỳ. Đến năm 2016 xuất khẩu giảm 25,8% về lượng, giảm 21,2% về giá trị xuất khẩu so cùng kỳ năm trước.

Theo Nghị định 109/NĐ-CP/2010, DN xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chứa chuyên dùng, sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc, gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, và phải xuất khẩu gạo trong 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Hơn nữa hiện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang nắm vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo, đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN xuất khẩu gạo, tạo cơ chế xin cho, tạo động cơ để ngành lúa gạo đi theo hướng sản lượng cao, chất lượng thấp và giá thấp.

Chẳng hạn, việc Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, trong đó quy định tối đa không quá 150 đầu mối xuất khẩu gạo, thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo của DN nếu không đạt giá trị xuất khẩu 10.000 tấn gạo/năm trong 2 năm liên tiếp. Đến nay các quy định này đã được bỏ nhưng điều kiện xuất khẩu theo Nghị định 109 vẫn giữ nguyên.

Mặt khác trong hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng giao cho Vinafood 1 và Vinafood2 làm đầu mối giao dịch gạo theo mô hình hợp đồng tập trung. Điều này dẫn đến giá trị xuất khẩu gạo thường thấp, điều kiện giao hàng không thuận lợi. 2 tổng công ty này cũng nhận được phí ủy thác xuất khẩu gạo, trong trường hợp tự xuất khẩu được hưởng 20%, nhận ủy thác được hưởng tới 80% phí ủy thác.

Một quy định khác nữa là DN xuất khẩu gạo không được xuất khẩu thấp hơn giá sàn, điều này gây cản trở lớn cho hoạt động xuất khẩu của DN khi giá gạo thế giới xuống thấp hơn giá sàn.

Cần sớm xóa bỏ rào cản

Nhìn nhận về thực trạng ngành lúa gạo Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Nghị định 109 đang can thiệp quá sâu vào hoạt động xuất khẩu của ngành lúa gạo. Điều này xuất từ việc ngành hàng lúa gạo bị ám ảnh quá lâu về an ninh lương thực. Nó thành nỗi ám ảnh từ khi thiếu đói, cho đến xuất khẩu nhiều gạo. Nhưng nay nhu cầu an ninh lương thực có thể đảm bảo được nên cần phải xóa bỏ nỗi ám ảnh này để ngành lúa gạo phát triển.

Thị trường lúa gạo, không phải vấn đề cung tăng, cầu giảm về lượng mà thị trường đang yêu cầu về chất lượng gạo nhiều hơn. Thay đổi thói quen tiêu dùng không phải dùng gạo ít mà chú ý đến chất lượng gạo, tính dinh dưỡng của gạo nhiều hơn. Đã đến lúc phát triển ngành sản xuất lúa gạo hàng hóa căn cứ theo tín hiệu thị trường.

Chính sách đất đai với lúa gạo cần cập nhật thêm chủ trương chỉ đạo mới của Chính phủ và Thủ tướng về vấn đề xóa bỏ hạn điền. Hạn điền là một trong các vướng mắc rất lớn, cần bỏ cách quy định hạn điền theo vùng nữa, có vùng sợ thiếu đất nên đưa ra hạn điền thấp hơn. Mặt khác cần tăng thời gian sử dụng đất nông nghiệp, bởi nới thời gian sử dụng đất rất quan trọng.

Đất trồng lúa quy định 30 năm mới được 1,5 thế hệ, nên ít nhất cần đủ thời gian cho 2 thế hệ canh tác, tức khoảng 40 năm. Đối với cây lâu năm cũng vậy, nên nới từ 50 năm lên 60-70 năm để đủ vòng quay của cây. Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị bỏ quy hoạch vùng trồng lúa với ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng.

ĐBSCL hiện nay với bối cảnh biến đổi khí hậu, ngập mặn, nước ngọt hiếm hoi tại nhiều vùng quy hoạch trồng lúa. Thực tế nhiều vùng tại ĐBSCL đã chuyển diện tích đất trồng lúa thành 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, vụ cá, nên cần xem lại quy hoạch này với cả vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, trong sản xuất lúa gạo, cần khuyến khích nông dân thành lập hợp tác xã để tạo vị thế tốt hơn cho nông dân về đầu vào, quản trị, thị trường, đặc biệt tạo quan hệ tốt hơn với DN và nhà đầu tư mới vào đất đai. Nông dân chưa có hợp tác xã là khó cho cả nông dân và DN. DN phải thương lượng hàng nghìn nông dân thì là điều không thể.

Thực tế, đã có nơi làm được như Đồng Tháp, hình thành hợp tác xã có khả năng kỹ năng quản trị tốt, theo điều hành người lãnh đạo hợp tác xã. Bên cạch đó, thị trường tiêu thụ gạo trong nước vẫn là thị trường lớn, xuất khẩu chỉ một phần.

Theo đó, cần tổ chức lại thị trường lúa gạo theo hướng giảm các khâu trung gian, tăng mạng lưới phân phối. Vì trung gian nhiều gây thua thiệt cho người sản xuất và làm mất đi thông tin, tín hiệu trực tiếp giữa người tiêu dùng và người sản xuất. Để người dùng nhiều niềm tin hơn với hạt gạo Việt, cần khuyến khích DN xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu gạo DN, khuyến khích DN đăng ký công bố thương hiệu gạo của mình.

Theo Gia Bảo

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên