MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư: 4.500 tỷ đồng vay từ BIDV để tăng vốn VNCB cần được khấu trừ thiệt hại vụ án

30-07-2018 - 19:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Luật sư Trần Minh Hải cho biết 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn cho VNCB nhưng chưa được chấp thuận, do đó ngân hàng cần phải trả lại cho bị cáo Phạm Công Danh và những người tham gia góp vốn.

Sáng nay (30/7), trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) tiếp tục giữ quan điểm đề nghị HĐXX thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank về cho CBBank khắc phục hậu quả vụ án.

Tuy nhiên trong phần tranh luận của luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho Phạm Công Danh), ông cho biết cần xem xét lại 4.500 tỷ đồng tiền tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và khấu trừ số tiền này ra khỏi thiệt hại vụ án.

Luật sư Trần Minh Hải cho biết CBBank (VNCB sau khi được NHNN mua lại 0 đồng) đang hạch toán kế toán vốn điều lệ không đúng quy định với số tiền 4.500 tỷ đồng. Theo đó, 4.500 tỷ đồng sau khi được bị cáo Phạm Công Danh nộp về tài khoản VNCB tại Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước để tăng vốn. Trong khi NHNN chưa đồng ý cho VNCB tăng vốn thì Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An lại có văn bản chấp thuận cho VNCB tăng vốn thêm 4.500 tỷ đồng, lên 7.500 tỷ đồng. Vì NHNN chưa chấp thuận tăng vốn nên Sở lại thực hiện điều chỉnh vốn xuống 3.000 tỷ đồng và đến nay, vốn điều lệ VNCB chưa hề thay đổi.

Tuy nhiên trong văn bản kết luận số 15 của Viện kiểm sát, vốn điều lệ của VNCB lại là 7.500 tỷ đồng. Luật sư Hải cho rằng không thể cùng lúc, một ngân hàng lại có 2 vốn điều lệ. Hồ sơ vụ án cho thấy VNCB (nay là CBBank) vẫn có số vốn là 3.000 tỷ đồng và trên giấy đăng ký kinh doanh vẫn như vậy.

Luật sư cho rằng cần loại trừ số tiền trên ra khỏi thiệt hại vụ án để lấy lại sự thật khách quan. Bởi lẽ, khi chưa được tăng vốn, số tiền phải được ngân hàng hạch toán vào khoản nợ phải trả. Đây là tiền các bị cáo góp vốn tăng vốn ngân hàng nhưng không được thông qua, do đó nó phải nằm ở khoản mục nợ phải trả của CBBank.

Để làm rõ hơn số tiền này, các luật sư đề nghị CBBank công bố Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, nhưng ngân hàng này không thực hiện. Do đó, số dư 4.500 tỷ đồng có thể hiện trên khoản mục nợ phải trả của CBBank hay không cần được xác định lại rõ ràng.

Chưa kể, đại diện CBBank còn cho rằng không còn tiền trong tài khoản thì không trả. Điều này, theo luật sư Hải là vô lý. Đồng thời, luật sư cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng đã chi dùng cho VNCB chứ không phải ông Phạm Công Danh hay các bị cáo. Điều này chính đại diện CBBank cũng khẳng định, do đó không thể xem xét trách nhiệm thuộc về bị cáo Phạm Công Danh.

Luật sư Trần Minh Hải còn chỉ ra rằng, nếu cho rằng trong 4.500 tỷ đồng có 2.900 tỷ đồng bị cáo Danh chuyển về các công ty con với mục đích riêng thì số tiền này đã được xét xử, xem xét trách nhiệm của bị cáo ở giai đoạn 1 của vụ án. Số tiền này, bị cáo cũng đã phải trả giá bằng hình phạt tù. Nếu không loại trừ khoản này thì bị cáo Phạm Công Danh phải chịu tội 2 lần cho một con số thiệt hại.

Theo cáo trạng, sau khi lập khống hồ sơ rút 4.700 tỷ đồng từ BIDV, Phạm Công Danh đã chuyển 4.000 tỷ đồng về tài khoản VNCB để thực hiện tăng vốn điều lệ. 500 tỷ đồng còn thiếu, Phạm Công Danh và đồng phạm lấy từ 200 tỷ đồng trong gói tín dụng vay từ TPBank, 300 tỷ đồng huy động từ các nguồn khác.

Số tiền 4.500 tỷ đồng từ đó đã được nộp sang tài khoản VNCB tại LienVietPostBank rồi về tài khoản của VNCB tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, VNCB không được NHNN chấp thuận nên số tiền đã không được sử dụng tăng vốn.

Kết luận điều tra bổ sung có nêu 4.500 tỷ đồng sau khi chuyển về tài khoản của VNCB đã hòa chung vào dòng tiền và được VNCB sử dụng cho các mục đích khác nhau. Cơ quan điều tra nêu không bóc tách chi tiết được số tiền dùng cho mục đích nào.

Ngày 5/3/2015, VNCB chuyển đổi thành CBBank do Nhà nước làm chủ sở hữu. Sau khi tiếp quản, CBBank có xin ý kiến NHNN về việc hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. CBBank chưa thể xử lý điều chỉnh hạch toán số tiền trên.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên