MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lực lượng giúp Trung Quốc thành cường quốc đối mặt kỷ lục buồn, khoét sâu "vết sẹo" của nền kinh tế

31-05-2023 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, sinh viên tốt nghiệp đại học bị cuốn vào một "cơn bão hoàn hảo".

Lực lượng giúp Trung Quốc thành cường quốc đối mặt kỷ lục buồn, khoét sâu "vết sẹo" của nền kinh tế - Ảnh 1.

"Cơn bão hoàn hảo"

Theo CNBC (Mỹ), dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong độ tuổi từ 16 đến 24 tại Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4.

Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh vào các tháng mùa hè vào tháng 7 và tháng 8 với làn sóng sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Từ con số này, Goldman Sachs ước tính hiện có thêm 3 triệu thanh niên thành thị Trung Quốc thất nghiệp so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, sinh viên tốt nghiệp đại học bị cuốn vào một "cơn bão hoàn hảo" - từ chỉ tình trạng khó khăn nhất có thể - một số buộc phải nhận những công việc lương thấp hoặc chấp nhận những công việc dưới trình độ kỹ năng của họ.

Yao Lu, giáo sư xã hội học tại Đại học Columbia ở New York, cho rằng bong bóng đại học này cuối cùng cũng vỡ.

“Việc mở rộng giáo dục đại học vào cuối những năm 1990 đã tạo ra một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng có sự lệch pha giữa cung và cầu lao động có tay nghề cao. Nền kinh tế vẫn chưa bắt kịp", ông giải thích.

Tình trạng thiếu việc làm là một vấn đề khác mà giới trẻ và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải vượt qua.

Lực lượng giúp Trung Quốc thành cường quốc đối mặt kỷ lục buồn, khoét sâu "vết sẹo" của nền kinh tế - Ảnh 2.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tác động của việc tốt nghiệp vào thời điểm kinh tế khó khăn sẽ để lại "sẹo".

Nghiên cứu từ Đại học Stanford cho thấy những sinh viên tốt nghiệp đại học bắt đầu cuộc sống đi làm trong thời kỳ suy thoái kiếm được ít tiền hơn trong ít nhất 10 đến 15 năm so với những người tốt nghiệp trong thời kỳ thịnh vượng.

Trả lời CNBC, ông Yao Lu cho rằng, dân số già hóa và suy giảm tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ làm giảm dân số hoạt động kinh tế của nước này, trong khi tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở thanh niên “có khả năng gây ra những tác động rất tiêu cực cho nền kinh tế”.

Trung Quốc mất "chìa khóa" trở thành cường quốc?

Sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 1 điểm phần trăm mỗi năm từ năm 2035 đến năm 2050 - Tomoyuki Fukumoto, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Đại học Osaka, dự đoán.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ để trở thành một cường quốc kinh tế và là công xưởng của thế giới. Điều này sẽ phải thay đổi.

Như đã xảy ra ở Nhật Bản, các nhà sản xuất có thể bắt đầu rời khỏi đất nước một cách từ từ, dẫn đến một vòng luẩn quẩn là nhu cầu trong nước giảm và đầu tư trong nước ít hơn. Đồng thời, sẽ có ít việc làm hơn và sự sụt giảm hơn nữa trong tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh.

Thay đổi dân số sẽ định hình tình trạng kinh tế và tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc cũng như vai trò của Trung Quốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu - theo Su Yue, Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit.

Các nhà sản xuất đã tìm kiếm những nơi bên ngoài Trung Quốc như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ để có lao động rẻ hơn.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs nói rằng việc đưa những người trẻ tuổi trở lại làm việc sẽ giúp phục hồi kinh tế Trung Quốc vì nó sẽ khôi phục sức tiêu dùng của giới trẻ, nhóm nhân khẩu học thường chiếm gần 20% mức tiêu dùng ở Trung Quốc.

Bắc Kinh rất ý thức được điều này.

Vào tháng 4, Trung Quốc đã công bố một kế hoạch gồm 15 điểm nhằm tìm kiếm công việc phù hợp với những người trẻ tuổi một cách tối ưu hơn.

Kế hoạch mới ban hành này bao gồm hỗ trợ đào tạo kỹ năng và thực tập sinh, cam kết mở rộng tuyển dụng một lần tại các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ ý tưởng kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp đại học và lao động nhập cư.

Theo Minh Khôi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên