MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lùi vô thời hạn đề xuất 5.000 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động mất việc vì COVID-19

Để hỗ trợ người lao động mất việc vì COVID-19, vào tháng 5/2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất dành 3.000-5.000 tỷ đồng để đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho lao động. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang dừng vô thời hạn đề xuất này.

Tại cuộc họp trực tuyến “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” giữa Chính phủ và doanh nghiệp vào tháng 5/2020, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm hàng loạt lao động dẫn tới chi phí tuyển dụng, đào tạo lại sẽ rất lớn.

Bộ LĐ-TB&XH lo lắng, sau khi trở lại hoạt động sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động. Do đó, để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất sử dụng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư Qũy bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, đào tạo lại lao động mất việc vì COVID-19. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phương thức đào tạo sẽ đào tạo tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp. Dự kiến của Bộ LĐ-TB&XH sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo, cấp chứng chỉ.

Thông tin này đưa ra đã nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, sau khoảng 5 tháng đề xuất, kế hoạch này vẫn "biệt tích".

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết:, Cục Việc làm đã trình lên Bộ dự thảo, nhưng Bộ đang dừng vô thời hạn đối với đề xuất này.

Theo vị này, ban đầu, Bộ LĐ-TB&XH dự định đưa đề xuất này vào trong gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 2. "Nhưng đề xuất lại liên quan đến Nghị định 28 (Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp – PV), mà nghị định không sửa bằng nghị quyết được. Do đó, Bộ đã rút đề xuất này và hiện không bàn nữa”, vị này cho hay.

Theo Nghị định 28, người sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng (địch họa, dịch bệnh…) buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên (trường hợp có dưới 300 lao động) và từ 100 lao động trở lên (trường hợp có trên 300 lao động) không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 3 tháng sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động của mình. Mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian không quá 6 tháng.

Điều kiện: DN đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến trước thời điểm đề nghị hỗ trợ kinh phí.

Theo Dương Hưng

Theo Tiền Phong

Trở lên trên