MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương 30 triệu, tiết kiệm 500 triệu mới dám nghĩ tới chuyện mua nhà

18-04-2023 - 08:35 AM | Lifestyle

Lương 30 triệu, tiết kiệm 500 triệu mới dám nghĩ tới chuyện mua nhà

Quan điểm của một số người trẻ trước thông tin về giá bán phân khúc chung cư trung và cao cấp Hà Nội đang dao động từ 45 đến 60 triệu đồng/m2.

Mới đây, trong Tọa đàm Thường niên Đánh giá triển vọng thị trường chung cư Hà Nội, báo cáo cho thấy giá bán của phân khúc chung cư trung và cao cấp Hà Nội đang dao động từ 45 đến 60 triệu đồng/m2. Điều đó đồng nghĩa với thực tế, để mua được căn hộ khoảng 80m2 trong phân khúc này, bạn sẽ phải chi số tiền khoảng 3,6 - 4,8 tỷ đồng, một con số khá lớn với những người trẻ.

Với giá bất động sản (BĐS) ngày càng tăng như hiện tại, liệu người trẻ có đủ khả năng để tậu cho mình một căn nhà riêng?

Lương 30 triệu, tiết kiệm 500 triệu mới dám nghĩ tới chuyện mua nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Pinterest

Muốn mua nhà sẽ cần sự trợ giúp từ gia đình hoặc vay nợ

Ngọc Linh (sinh năm 1998, Hà Nội) cho rằng với mức giá 3,6 - 4,8 tỷ đồng người trẻ hoàn toàn có thể tậu nhà, tuy nhiên không phải số nhiều. Với mức thu nhập trung bình của các bạn trẻ ở độ tuổi 25-30 tuổi khoảng 8-15 triệu/tháng, để có thể mua nhà tầm giá đó, phần lớn sẽ cần đến sự giúp đỡ của gia đình hoặc được thừa kế tài sản. Bên cạnh đó, một số người trẻ sử dụng phương án vay vốn để có thể tiếp cận mua nhà.

Đồng quan điểm với Ngọc Linh, Nguyễn Tấn Phi Hùng (Thạc sĩ, Luật sư, sinh năm 1995) với mức giá 3,6 - 4,8 tỷ đồng cho một căn hộ 80m2, Phi Hùng đánh giá là đa số người trẻ dưới 30 tuổi khó có thể tự bản thân tiếp cận, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu sự nghiệp và chưa tích lũy được nhiều tiền.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng dù giá BĐS ngày càng tăng, người trẻ vẫn có thể tiếp cận dễ dàng hơn so với thế hệ trước do nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn, đặc biệt là trong câu chuyện vay mượn. Phi Hùng không cho rằng điều này hoàn toàn đúng. Việc vay vốn để mua nhà luôn không phải là điều dễ dàng với mọi người, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp hoặc không đủ tiêu chuẩn để vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Nếu so sánh với thế hệ trước, người trẻ hiện nay thực sự đối mặt với những thách thức và áp lực tài chính lớn hơn. Giá cả nhà đất tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng trong khi thu nhập không tăng đáng kể đã tạo ra áp lực lớn đối với người trẻ khi muốn mua nhà. Tuy nhiên, các bạn trẻ có thể tìm hiểu các dự án BĐS được thiết kế riêng cho người trẻ như các căn hộ chung cư mini với giá cả phù hợp hơn với khả năng tài chính.

Lương 30 triệu, tiết kiệm 500 triệu mới dám nghĩ tới chuyện mua nhà - Ảnh 2.

Phi Hùng - Ảnh: NVCC

Mua nhà có phải là cột mốc tài chính ai cũng cần đạt được?

Quan điểm an cư lạc nghiệp, mua nhà là điều cần đạt được như một tiêu chí chứng tỏ tài chính cá nhân vững vàng đã khá phổ biến từ thế hệ trước. "Mình không quá áp lực chuyện mua nhà. Nếu mức tài chính chưa đủ, mình có thể đi thuê. Tuy nhiên, nó vẫn là cột mốc cho mình hướng tới, ngoài 1 căn hộ để ở, mình còn đặt mục tiêu sở hữu nhà để cho thuê và đầu tư", Ngọc Linh chia sẻ.

Còn đối với Phi Hùng, nhu cầu về chỗ ở là một nhu cầu chính của con người, đặc biệt là đối với người Việt Nam với tâm lý mong muốn "an cư lập nghiệp". Theo đó, việc mua nhà có thể được xem như một mục tiêu hoặc một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của nhiều người.

"Việc sở hữu một ngôi nhà có thể đem lại sự an tâm, ổn định và tự do trong việc sử dụng không gian sống. Tuy nhiên, khi nhìn nhận ở phương diện ngược lại thì việc mua nhà có thể khiến tạo ra áp lực về tài chính và các trách nhiệm liên quan đến bảo trì và chi trả các khoản vay nếu có. Do đó, mình cho rằng áp lực mua nhà là một vấn đề mang tính tương đối vì nó sẽ còn phụ thuộc vào từng người và hoàn cảnh của họ. Áp lực mua nhà như một cột mốc phải đạt được là hiện hữu, nhưng không tuyệt đối trong mọi trường hợp".

Tiết kiệm được bao nhiêu tiền thì mới nên mua nhà?

Theo Ngọc Linh tìm hiểu mức giá mua căn hộ 2 phòng ngủ ở các thành phố lớn trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng. Nếu sử dụng phương án vay trả góp, có vốn 20% giá trị căn nhà tương đương với 500 triệu, số tiền vay ngân hàng là gần 2 tỷ, tính ra mỗi tháng cả gốc và lãi là 20-40 triệu/tháng. "Bởi vậy mình nghĩ mỗi tháng thu nhập phải từ 30 triệu/người trở lên mới có đủ khả năng chi trả tiền gốc và tiền lãi hàng tháng. Còn những người có được sự hỗ trợ từ gia đình, các bạn sẽ đỡ gánh lo về tài chính hơn, cần cân đối về số tiền sẵn có và căn hộ muốn mua để có bài toán tài chính phù hợp với mỗi gia đình".

Lương 30 triệu, tiết kiệm 500 triệu mới dám nghĩ tới chuyện mua nhà - Ảnh 3.

Ngọc Linh - Ảnh: NVCC

Còn đối với Phi Hùng, câu hỏi này sẽ tùy thuộc vào quan điểm của từng người. Song anh chàng cho rằng không có một con số cụ thể nào để nói rằng một người trẻ cần có bao nhiêu thu nhập hoặc tiền để có thể nghĩ đến việc mua nhà. Bởi vì việc mua nhà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như giá cả nhà ở trong khu vực đó, chi phí vay vốn, nhu cầu sử dụng không gian sống, và khả năng chi trả của từng người.

Hiện nay, khi các ngân hàng áp dụng các gói sản phẩm vay mua BĐS cũng thường yêu cầu khách hàng (bên được cấp tín dụng) chi trả khoản vốn tự có là tối thiểu 20% - 30% giá trị BĐS. Do đó trường hợp quyết định vay mua bất động sản, xét đến các rủi ro có thể phát sinh thêm thì người trẻ nên cân nhắc có sẵn vốn tự có từ 40% giá trị bất động sản trở lên là có thể hạn chế được phần nào mức độ rủi ro.

"Theo mình, người trẻ cần đảm bảo rằng họ có khả năng chi trả các khoản vay và các chi phí liên quan đến việc mua và sở hữu nhà, bao gồm cả tiền đặt cọc, chi phí tài chính, thuế và bảo trì. Việc có thu nhập ổn định và tài chính vững mạnh sẽ giúp người trẻ có thể tự tin hơn trong việc đáp ứng các chi phí này".

Theo Tô Diệp

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên