MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương đã thấp còn bị gắn mác là thế hệ chẳng biết chắt chiu, GenZ “buông xuôi” bằng cách bỏ học và ngừng tiết kiệm?

12-04-2024 - 06:10 AM | Lifestyle

Có bất công cho thế hệ trẻ quá không khi họ luôn bị nhắc nhở “phải sống tiết kiệm hơn đi”?

“Bằng tuổi con, bố mẹ đã mua được nhà”!

“Đừng vung tiền cho bánh mì nướng bơ hay bánh toast nữa, tiết kiệm đi”!

Đây là một trong số những lời chỉ trích mà thế hệ GenZ xứ cờ hoa thường được nghe từ cha mẹ, ông bà hay nói chung là những người lớn tuổi, thuộc thế hệ Baby Boomer (những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964).

Phần lớn thế hệ này đều kết hôn, sinh con từ sớm và cùng nhau dành cả đời để theo đuổi các mục tiêu lớn về tiền bạc. Theo thống kê, thế hệ Baby Boomer đang nắm giữ một nửa tài sản của nước Mỹ, chủ yếu là bất động sản.

Vì lẽ đó, trong mắt thế hệ Baby Boomer, GenZ là những người có lối sống phung phí, không biết tiết kiệm.

Bằng cấp cao hơn nhưng lương lại thấp hơn thế hệ trước

Ngay cả khi có trình độ học vấn cao hơn, triển vọng tài chính của GenZ vẫn thua xa thế hệ cha mẹ, ông bà của họ. Lý do không có gì khó đoán, chính là vì mức lạm phát ngày càng tăng cao.

Lương đã thấp còn bị gắn mác là thế hệ chẳng biết chắt chiu, GenZ “buông xuôi” bằng cách bỏ học và ngừng tiết kiệm?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để mua được một ngôi nhà có giá trung bình 433.100 USD, người Mỹ cần có thu nhập hàng năm khoảng 166.600 USD. Tuy nhiên, theo công ty môi giới Home Bay, thu nhập trung bình của 1 GenZ chỉ ở mức 74.580 USD với các vị trí Senior. Những người mới đi làm hoặc đảm nhận các vị trí thực tập thậm chí còn chỉ kiếm được một nửa số đó.

Trong bối cảnh giá nhà đã tăng nhanh gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng thu nhập, các chuyên gia cho rằng GenZ phải làm ít nhất 3 công việc một lúc mới đủ sức “chạy đua” với tốc độ lạm phát, để có đủ tiền trang trải cuộc sống và thực hiện các mục tiêu lớn như mua nhà.

Robbie Scott (26 tuổi), nói trong một video đang viral trên TikTok rằng anh đã chán ngấy những lời khuyên nhủ, răn dạy của các thế hệ đi trước, đơn giản vì họ không hiểu rằng người trẻ ngày nay đang phải chịu áp lực kinh khủng thế nào về tài chính, chỉ vì lương thấp.

“Họ đã mua được một ngôi nhà bốn phòng ngủ và một chiếc Cadillac mui trần với mức lương 30.000 USD một năm, làm sao họ có thể hiểu được cảm giác làm việc hơn 40 giờ/tuần mà vẫn không đủ tiền để thuê một căn hộ studio 40m2 cơ chứ?” - Robbie tỏ ra ấm ức.

Video của Robbie đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem và nhận được hơn 3000 bình luận, chủ yếu là những lời chia sẻ thể hiện sự đồng cảm. Dường như GenZ đã chán nản đến mức không còn muốn lên tiếng phản biện, giải thích với người lớn về định kiến phung phí đang bị “áp” lên mình.

Buông xuôi bằng cách bỏ học, đốt tiền cho thú vui sang chảnh

Tờ The Fortune khẳng định có một thế hệ GenZ từ chối học đại học và chi tiêu như thể không có ngày mai vì lương thấp cùng với chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà cao kỷ lục, khiến họ có tiết kiệm cả đời cũng không đủ để mua nhà.

Lương đã thấp còn bị gắn mác là thế hệ chẳng biết chắt chiu, GenZ “buông xuôi” bằng cách bỏ học và ngừng tiết kiệm?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Sự thật này khiến lực lượng lao động trẻ - được dự đoán là lực lượng lao động chủ chốt không còn muốn học Đại học. Họ thà làm các công việc như thợ sửa ống nước, thợ mộc, nhân viên lái máy xúc ở ngoại ô để vừa có thể kiếm được tiền, vừa không phải gánh các khoản nợ nần thời sinh viên” - The Fortune nhận định.

Trong khi đó, một bộ phận GenZ đã tốt nghiệp Đại học, đang đi làm lại đốt tiền cho đồ hiệu thay vì đặt mục tiêu tích góp, mua nhà.

Báo cáo của công ty tài chính Credit Karma cho thấy 27% GenZ nước Mỹ thừa nhận họ đã đốt sạch tiền tiết kiệm vào việc mua những món đồ xa xỉ - chủ yếu là túi xách.

Credit Karma cho biết nguyên nhân của hành vi tiêu dùng trả thù này đến từ việc chi phí sống và học tập ở các thành phố lớn quá cao, khiến người trẻ tuyệt vọng đến mức tin rằng dù họ có tiết kiệm cả đời, cũng không thể thoát cảnh ở thuê hay sự đeo bám của những khoản nợ sinh viên.

Theo The Fortune

Theo Ngọc Linh

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên