MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng đường tồn kho kỷ lục

25-05-2017 - 10:00 AM | Thị trường

Để giải quyết những khó khăn mà ngành đường trong nước đang đối mặt, Hiệp hội Mía đường đề xuất nhiều giải pháp, trong đó đề nghị Chính phủ có biện pháp ngăn chặn đường giá rẻ nhập lậu vào Việt Nam.

Tại hội nghị "Giải pháp tiêu thụ đường bền vững" diễn ra ngày 24-5 tại TP HCM, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường trong nước cho biết chưa khi nào lượng đường tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn như hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do đường nhập lậu tràn lan, sức tiêu thụ của thị trường kém.

Khó khăn bao vây

Một DN cho biết từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh đường giảm hơn 30% so với bình thường dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng. DN này lo khó khăn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Mía đường, lượng đường tồn kho từ đầu vụ hiện lên đến 479.000 tấn, tổng sản lượng đường sản xuất đến ngày 19-5 đã hơn 1,36 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ chỉ 1,09 triệu tấn, đẩy mức tồn kho lên trên 700.000 tấn. Đây là lượng đường tồn kho cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm.


Ngành mía đường không cạnh tranh được với hàng nước ngoài do giá thành cao

Ngành mía đường không cạnh tranh được với hàng nước ngoài do giá thành cao

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, giải thích tồn kho lớn là do thời tiết ảnh hưởng đến thời vụ, các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn kế hoạch, thậm chí nhiều nhà máy không hoạt động được liên tục. Do giá cao hơn đường nhập lậu 1.000-2.000 đồng/kg khiến đường trong nước kém cạnh tranh. Công tác chống gian lận thương mại tuy có nhiều cố gắng nhưng không cải thiện được tình hình, thậm chí nạn buôn lậu mặt hàng này ngày càng tăng.

Ông Đặng Phú Quý, đại diện Công ty Đường Quảng Ngãi, phân tích nguyên nhân tồn kho còn do sức tiêu thụ đường trong nước giảm mạnh bởi bánh ngọt nước ngoài tràn vào ào ạt.

Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Công ty Mía đường Lam Sơn, nhận định giá đường trong nước rất khó giảm để cạnh tranh do giá thu mua mía cao hơn Thái Lan 35%-45%, Úc 50%. Vả lại, các nhà máy đã ký kết giá thu mua mía với nông dân từ đầu vụ nên khó giảm. "Toàn bộ làng nghề ở Hà Nội năm nay không lấy đường của chúng tôi. Các nhà máy lớn đăng ký mua nhiều nhưng chỉ nhận nhỏ giọt, chưa đến 50%. Tình trạng chưa từng xảy ra trong 20 năm qua là vào tháng 4-5, giá đường lại giảm" - ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, hiện có nhiều chất tạo ngọt có thể thay thế đường cũng tác động mạnh đến tình hình tiêu thụ đường mía.

Cần giải pháp cấp bách

Đại diện Tập đoàn Thành Thành Công ước tính năm 2015 nhập lậu 382.00 tấn đường làm nhà nước thất thu hơn 1.800 tỉ đồng tiền thuế. Việc tồn kho nhiều không chỉ gây khó cho DN mà còn làm khổ nông dân. Đây là thiệt hại dây chuyền. Vì thế, nhà nước cần có giải pháp cấp thiết và hiệu quả.

Lãnh đạo một công ty đường ở Phú Yên thừa nhận: "Chúng ta cứ lo bắt giữ hàng nhập lậu mà không có biện pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành thì không thể tiêu thụ đường bền vững".

Ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn với tình trạng thu gom đường nhập lậu. Trong đó, cần quản lý việc đấu giá đường lậu sau khi thu giữ, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho lượng hàng này hoành hành.

Hiệp hội Mía đường đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại thuế suất nhập khẩu đường để bảo vệ hàng trong nước.

Sẽ khó khăn hơn nếu không giảm giá thành

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận xét chỉ đối mặt với hàng lậu mà đã chao đảo thì sang năm, khi các hiệp định thương mại tự do khơi thông thì DN sẽ ra sao? Theo ông Nam, DN cần giảm chi phí sản xuất, đổi mới công nghệ để tăng sản lượng, giảm giá thành, đồng thời tăng cường các hoạt động chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm sau đường. Trong thời gian tới, DN còn phải ứng phó nhiều hơn khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định sẽ làm việc với cơ quan liên quan để có giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường và nông dân.

Theo Sơn Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên