MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương "khủng" vẫn không tuyển đủ người

Có một thực tế là nhiều lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và doanh nghiệp. Điều này có nguyên nhân do sự mất cân bằng trong phân bổ đào tạo, có những ngành thừa và những ngành thiếu hụt.

Lương “khủng” chiêu mộ người tài

Việc làm tốt, thu nhập ổn định là mong muốn chính đáng, nhưng đối với những ngành nghề đòi hỏi chất xám, chuyên môn sâu thì rất ít người đủ năng lực vượt qua “vòng loại”.

Tại Ngày hội việc làm lớn nhất năm 2023 của TP.HCM diễn ra cuối tháng 12, gian hàng của Công ty Cổ phần Viện máy tính Việt Nam (quận Phú Nhuận) gây ấn tượng mạnh khi đăng bảng tuyển dụng với mức lương “khủng”: 39 triệu đồng/tháng.

Lương "khủng" vẫn không tuyển đủ người - Ảnh 1.

Nhiều thiết bị, máy móc hiện đại đưa vào sản xuất, doanh nghiệp ở Bình Dương rất cần nhân lực có chuyên môn (Ảnh: Thiên Lý)

Ông Phạm Văn Phú, Trưởng Phòng Marketing cho hay, Công ty có hơn 6.000 nhân viên nhưng do nhu cầu mở rộng quy mô nên cần thêm khoảng 1.000 kỹ thuật viên, đồng thời tuyển các thợ lành nghề ở vùng ven để nhượng quyền thương hiệu. Sắp tới, Công ty Cổ phần Viện máy tính Việt Nam sẽ có chương trình đào tạo cho nhân viên mới, đáp ứng yêu cầu công việc: “Công ty không đòi hỏi về bằng cấp, chỉ cần yêu cầu cứng nghề và yêu nghề. Nếu như lao động chưa vững nhưng có niềm đam mê, yêu nghề thì bên mình sẽ đào tạo, về chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc khách hàng, đào tạo chương trình hậu sử dụng dịch vụ. Chương trình đào tạo là miễn phí”.

Thực tế lâu nay, khi tuyển dụng những lao động đã được các trường đại học đào tạo, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Tương tự là trường hợp của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Doanh nghiệp này thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng nhân viên quản lý, nhân viên kỹ thuật điện lạnh cơ khí, nhân viên kinh doanh và giám sát bán hàng, hiện đang cần thêm 150 lao động để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, năm 2024, Cholimex dự định đưa vào hoạt động nhà máy tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cần khoảng 300 lao động phổ thông và 50 vị trí chuyên môn khác.

Bà Lê Thị Kim Liên, bộ phận nhân sự Cholimex cho biết, do điều kiện làm việc trong môi trường chế biến thực phẩm nên việc tuyển dụng khá chặt chẽ và công ty luôn phải đào tạo, huấn luyện thêm kỹ năng cho người lao động.

“Công ty có một đội ngũ sẵn sàng tiếp nhận những người lao động phổ thông mới, sau đó đào tạo hướng dẫn công việc. Sau một thời gian họ sẽ trở thành công nhân có tay nghề”, bà Lê Thị Kim Liên cho hay.

Theo đánh giá, chất lượng lao động của TP.HCM có tăng lên khi số lao động đã qua đào tạo trong năm là gần 118.700 người, nâng số lao động được đào tạo trên địa bàn thành phố là gần 4,45 triệu người, trong tổng số gần 5,1 triệu lao động.

Lương "khủng" vẫn không tuyển đủ người - Ảnh 2.

Hiện nay, các trường nghề ở Bình Dương cũng đổi mới đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (Ảnh: Thiên Lý)

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, thành phố có hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp với hơn 370.900 người đang theo học. Mỗi năm, có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp, bổ sung cho thị trường lao động trong và ngoài thành phố.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng tham mưu cho lãnh đạo Thành phố về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên.

“Dự báo năm 2024 có nhiều khó khăn, thách thức truyền thống và phi truyền thống. Tuy nhiên, với chính sách của Chính phủ, ban hành các quy định, chính sách của TP.HCM, chúng ta tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất. Đặc biệt là ngành lao động sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm, quan tâm lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”, ông Lê Văn Thinh cho biết thêm.

Đổi mới tư duy đào tạo

Ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Công ty Cicor Việt Nam, chuyên về lĩnh vực điện, điện tử cho biết, doanh nghiệp vừa xây dựng nhà máy thứ tư ở Bình Dương, diện tích 12.000m2.

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, công ty chuyển giao công nghệ từ Thụy Sĩ sang Việt Nam, đưa công nghệ hiện đại, thông minh vào sản xuất. Thời gian tới, Circo Việt Nam không chỉ sản xuất theo thiết kế có sẵn từ Thụy Sĩ mà sẽ nghiên cứu công nghệ mới, sản xuất ngay tại Bình Dương. Tuy nhiên, để vận hành một nhà máy thông minh, Circo lo nhất là vấn đề nhân lực.

Lương "khủng" vẫn không tuyển đủ người - Ảnh 3.

Công ty Cổ phần Viện máy tính Việt Nam đưa ra mức lương "khủng" để thu hút lao động chất lượng cao (Ảnh: Kim Dung)

“Muốn chuyển đổi công nghệ, muốn trở thành thông minh hơn thì quan trọng nhất là con người, cần có nhà sáng tạo, kỹ sư giỏi. Làm sao để có được những con người như vậy thì điều đầu tiên là nhà trường. Trường đại học ở Bình Dương phải kết nối với các trường đại học quốc tế, giúp các bạn trẻ hiểu biết hơn về công nghệ, hiểu được cách làm việc của người Châu Âu và Mỹ, từ đó sẽ giúp kỹ sư trẻ giỏi hơn, tốt hơn, cung ứng cho doanh nghiệp nguồn nhân lực tốt”, ông Nguyễn Trọng Luật cho biết thêm.

Đối với Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương), cũng đang từng bước áp dụng công nghệ vào sản xuất để giảm thâm dụng lao động. Tuy nhiên, máy móc thông minh cũng rất cần người vận hành. Do đó, công ty đang tăng cường tìm kiếm nhân lực chất lượng cao. Trong khi chưa tuyển dụng được, doanh nghiệp phải đào tạo lao động sẵn có.

“Mình xây dựng từng bước, có kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động để thích ứng kịp việc chuyển đổi số hiện nay. Phía nhà máy cần ở bộ phận nào sẽ có chính sách đào tạo chuyên môn riêng, bởi không phải khi tuyển dụng là người lao động có tay nghề phù hợp được liền. Chính sách này nhà máy tự đào tạo, xây dựng phù hợp với từng công đoạn”, ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ.

Lương "khủng" vẫn không tuyển đủ người - Ảnh 4.

Công nhân bị giảm giờ làm, ít việc, mong muốn sang năm mới 2024 có nhiều đơn hàng, tăng thu nhập (Ảnh: Kim Dung)

Với định hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thay đổi cách dạy hướng vào doanh nghiệp, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương sẽ kết nối các trường nghề với doanh nghiệp để xây dựng chương trình giảng dạy theo nhu cầu. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ các trường đưa sinh viên, học viên đi kiến tập, thực tập, vận hành trên thiết bị, dây chuyền sản xuất ở nhà máy để các em ra trường có thể làm ngay.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương nhận định, tư duy đào tạo của các trường có sự thay đổi tích cực: “Trước đây, theo tư duy đào tạo là lấy người học làm trung tâm, tuy nhiên chúng tôi và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đào tạo là phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, từ thực tế. Từ đó có được nguồn lao động thực sự đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo năng suất và chất lượng cao nhất”.

Trước sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ, bản thân người lao động cần tích cực trau dồi kỹ năng, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng một cách tốt nhất.

Theo các chuyên gia lao động - việc làm và doanh nghiệp, yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn của nhân sự rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, để tăng khả năng cạnh tranh, thích ứng linh hoạt với khó khăn, áp lực của thị trường. Do đó, rất cần những giải pháp căn cơ để có nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển.

Theo Ngọc Xuân-Thiên Lý-Kim Dung

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên