Lương tháng 10 triệu, có nên cho con vào học trường mẫu giáo học phí 7-8 triệu/tháng: Càng học trường sang, tương lai con càng xán lạn?
Xã hội bây giờ, kết nối, tiếp xúc với ai rất quan trọng, chỉ cần cho con vào những môi trường cao cấp, sau này sẽ có nhiều mối quan hệ và cả tài nguyên?
- 07-05-2022Bí quyết nuôi dạy trẻ để tạo nên những người giàu cảm xúc của quốc gia hạnh phúc hàng đầu thế giới: Không bao giờ tồn tại tối hậu thư giữa bố mẹ và con cái
- 04-05-2022Câu trả lời cho câu hỏi đáng giá tỷ USD: Điều gì khiến 'thiên tài đầu tư' Warren Buffett khác biệt so với số đông?
- 24-04-2022Những sao Việt lựa chọn cho con học toàn trường quốc tế 'đắt xắt ra miếng': Học phí hơn 800 triệu đồng/năm, không uổng công đầu tư nên nói được đến 3 ngoại ngữ, 'bắn' tiếng Anh như gió
Cách đây không lâu, có một vị phụ huynh đặt ra một câu hỏi trên mạng xã hội rằng:
"Lương tháng của tôi trên dưới 10 triệu, vợ muốn cho con vào học một trường mẫu giáo học phí 7-8 triệu một tháng, cô ấy nói rằng cho con học trong môi trường cao cấp như vậy sẽ kết nối được với nhiều người ở tầng lớp cao cấp hơn, tương lại con sau này chắc chắn sáng lạn, vòng kết nối có thực sự quan trọng?"
Theo lời của vị phụ huynh này thì lương tháng của anh không quá cao, gọi là đủ để sống thoải mái một chút, nhưng về chuyện đi học của con, anh nghĩ tìm một ngôi trường nào đó phù hợp với kinh tế thôi là được.
Nhưng vợ cứ nhất quyết phải cho con vào trường đắt đỏ, gánh nặng kinh tế chắc chắn sẽ rất lớn.
Vợ cảm thấy rằng: xã hội bây giờ, kết nối, tiếp xúc với ai rất quan trọng, chỉ cần cho con vào những môi trường cao cấp, sau này sẽ có nhiều mối quan hệ và cả tài nguyên.
Chia sẻ của vị phụ huynh này nhận được kha khá phản hồi của cư dân mạng:
"Thứ lỗi tôi nói thẳng, quen biết ai không quan trọng, quan trọng là bạn có đủ tố chất để ở cùng một tầng lớp với họ hay không."
"Con nhà người ta nghỉ hè đi nước ngoài tham gia trại hè, không thì gia sư kèm 1-1, lúc đấy con bạn đang làm gì?"
"Dùng kinh nghiệm bản thân để nói với bạn rằng, kết giao với ai cũng vậy thôi, nếu bạn không đạt được tới mức để ở cùng một tầng lớp với họ, suy cho cùng, mối quan hệ đó cũng sẽ chỉ gọi là xã giao thôi, muốn thông qua các mối quan hệ kiểu này để mở rộng sự nghiệp, cải thiện cuộc sống, sẽ chẳng thể lâu dài."
Phần lớn những câu trả lời đều có chung một quan điểm:
Kết nối, tạo quan hệ với ai tuy rất quan trọng, nhưng đây không phải thứ có thể ép mà ra.
Bạn hoàn toàn có thể bước vào một tầng lớp nào đó, nhưng trước tiên phải làm rõ điều cốt yếu nhất trong những mối quan hệ này – nguyên tắc trao đổi tương đương.
Muốn bước vào một tầng lớp nào, muốn kết giao với một nhóm người nào đó, không chỉ đơn giản bỏ tiền là có thể trở thành một hội với họ, còn phải xem xem tầm nhìn và suy nghĩ của bạn có tương đồng với họ không, hoặc là bạn có những tài nguyên khác biệt mà họ không có để có thể trao đổi hay không.
Nếu bản thân bạn không có bất cứ giá trị nào mà đối phương có thể khai thác, vậy thì bạn chỉ đơn giản là biết người ta mà thôi, còn thực ra, bạn vẫn ở ngoài cái vòng kết nối đó.
Chỉ khi năng lực tương đương, bạn mới có thể thu lại được tài nguyên và giá trị tương ứng.
Có một khái niệm gọi là "vòng quan tâm và vòng ảnh hưởng".
Vòng ảnh hưởng là những chuyện bạn có thể kiểm soát, vòng quan tâm là những chuyện bạn không thể kiểm soát.
Chỉ khi bạn làm tốt những chuyện thuộc "vòng ảnh hưởng", bạn mới có thể đặt nền móng cho sự phát triển nghề nghiệp sau này, hay đạt được thành công trong tương lai gần.
Vậy thì, khi gặp một nhóm "cao cấp" hơn, bạn có muốn tìm cách để "nhập hội"?
Có lẽ tất cả chúng ta đều biết rằng, mối quan hệ, đôi khi thực sự có thể giúp chúng ta vượt qua được khó khăn ở một giai đoạn nào đó.
Rất nhiều người sau khi đi làm đều tham gia học những khóa đào tạo MBA, nguyên nhân là bởi ở đó, họ có cơ hội để quen biết được với những người có thực lực và chuyên nghiệp.
Những học viên của những lớp MBA thực sự có không ít người là những cốt cán trong ngành, thậm chí cả các lãnh đạo doanh nghiệp.
Một khi bước vào vòng kết giao này, bạn sẽ có được nhiều mối quan hệ, cơ hội và cả tài nguyên hơn.
Xã hội ngày nay, những việc mà một cá nhân có thể độc lập hoàn thành thường là có hạn.
Một người muốn hoàn thành một mục tiêu lớn hơn thì cần có sự giúp đỡ từ người khác.
"Ba cây chụm lại" có thể giúp bạn tiến được xa hơn, đặc biệt là khi "ba cây" đó đều là những cây lớn và chắc.
Trước đó, danh sách người giàu mới của Trung Quốc đã được công bố.
Chương Trạch Thiên, 27 tuổi, (người được biết tới nhiều với tên gọi "hotgirl Trà sữa" tại Trung Quốc) trở thành tỷ phú trẻ nhất trong danh sách và cũng là nhân vật nữ duy nhất thuộc thế hệ 9X.
Sau khi kết hôn với Lưu Cường Đông (tỷ phú thương mại điện tử của Trung Quốc, người đồng sáng lập trang thương mại điện tử JD.com. Ông là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghiệp thương mại điện tử tại Trung Quốc), vòng kết nối xã hội của Chương Trạch Thiên đã mở rộng đáng kể, cô cũng có được nhiều nguồn tài nguyên hàng đầu hơn trước.
Tất nhiên, dựa vào chồng để quen biết nhiều tầng lớp cao hơn là thật, nhưng cô gái ấy sau khi bước vào một tầng lớp khác cũng luôn không ngừng cố gắng, nỗ lực học hỏi các kiến thức về đầu tư, quản lý, tính tới hiện tại, cô đã đầu tư vào trên dưới 10 công ty khác nhau.
Việc nâng cao năng lực và mở rộng vòng kết nối đã mang lại cho Chương Trạch Thiên cơ hội dùng bữa với Bill Gates và các doanh nhân nổi tiếng khác, và việc giao lưu với những nhân vật hàng đầu này cũng mang lại cho cô ấy sự phát triển vượt bậc.
Có lẽ sẽ có người hỏi rằng: Nếu Chương Trạch Thiên không kết hôn với Lưu Cường Đông, cô ấy liệu có thể có được cơ hội ăn trưa cùng Bill Gates hay không?
Tất nhiên là sẽ khó hơn một chút.
Nhưng nếu bản thân cô ấy không có giá trị, vậy thì có gả cho ai, cũng chẳng ai có thể "nâng" cô ấy lên được.
Những thành tựu hiện tại của Chương Trạch Thiên đều tới từ những nỗ lực không ngừng phát triển bản thân sau khi bước vào một tầng lớp cao cấp hơn.
Quay lại vấn đề ban đầu.
Mẹ muốn cho con vào một môi trường giáo dục cao cấp hơn, tốt hơn, đây là điều dễ hiểu, ở cùng với một nhóm người có bối cảnh xã hội tốt quả thực có thể đem lại nhiều lợi ích, nhưng thứ quan trọng nhất, vẫn luôn là "giá trị bản thân" của chính mỗi người.
Vào được thì dễ, nhưng liệu có trụ lại được không, lại là một dấu hỏi.
Tác gia Keith Ferrazzi trong cuốn sách của mình có tên "Never eat alone" đã từng kể về chính trải nghiệm của mình.
Chỉ là một đứa trẻ trong một gia đình lao động, dù được nhận vào Trường Kinh doanh Harvard nhờ chính nỗ lực của mình, nhưng Keith vẫn bất ngờ nhận ra rằng những người bạn cùng lớp xung quanh giỏi hơn mình hàng chục lần.
Một số người đã phân tích các báo cáo trong các công ty hàng đầu Phố Wall, một số người đã là thành viên quan trọng của thương hội địa phương, chỉ có anh là một học sinh nghèo mới đỗ được vào trường.
Nhưng anh không nản lòng vì điều này mà còn tin rằng những người này chính là món quà mà thượng đế ban tặng cho anh.
Trong trường, bên cạnh việc cố gắng hoàn thiện bản thân, Keith cũng chủ động giao tiếp với người khác, chân thành giúp đỡ người khác, thiết lập mối quan hệ bền chặt với nhiều người, và không bao giờ quên duy trì những mối quan hệ đó.
Anh cho rằng, một mối quan hệ xã hội tốt là phải "có đi có lại", bạn giúp đỡ người khác thì người khác sẽ báo đáp lại bạn.
Một mối quan hệ trưởng thành và ổn định cần được duy trì liên tục, muốn có được sự tin tưởng và giúp đỡ của người khác, bản thân bạn cũng cần phải tạo ra nền tảng từng chút một.
Vòng kết nối là nơi mà tất cả cùng có lợi, nếu những người khác cung cấp giá trị, còn bạn chỉ muốn bước vào và nhận được lợi ích, vậy thì không được.
Chơi với ai, quen biết ai tuy quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là chính mình.
Bản thân không có thực lực, không có giá trị, có bước được vào một nhóm ưu tú nào đó, cũng khó có thể ở lại được lâu dài.
Bản chất của vòng kết nối là khiến mình thành công, khiến người khác thành công.
Trí thức trẻ