MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương thưởng Tết kéo giảm đình công, lãn công

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã cố gắng, nỗ lực chi trả lương thưởng tốt cho người lao động, với mức thưởng bình quân 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (8,88 triệu đồng/người).

UBND TPHCM vừa báo cáo Chính phủ về công tác chăm lo Tết nguyên đán Quý Mão 2023 tại thành phố.

Đảm bảo chi trả lương, thưởng cho người lao động

Công tác giám sát trả lương, thưởng trước và trong dịp Tết được TPHCM quan tâm, theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm Xã hội thành phố. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã cố gắng, nỗ lực chi trả lương thưởng tốt cho người lao động, mức thưởng bình quân là 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (8,88 triệu đồng/người).

Lương thưởng Tết kéo giảm đình công, lãn công - Ảnh 1.

Các đơn vị phối hợp tặng vé xe, quà Tết cho người lao động, thanh niên công nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão (Ảnh: Ngô Tùng).


Ngoài tiền thưởng Tết, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe). Một số doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.

Mặt khác, qua việc giám sát trả lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp cho người lao động đã kéo giảm tình hình đình công, lãn công trên địa bàn thành phố.

Trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão vừa qua, TPHCM đã tổ chức 43 đoàn đại biểu đi thăm các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng và gia đình; các đơn vị lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng, các hộ dân và hộ dân tộc thiểu số nghèo, công nhân lao động, người cao tuổi, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 với số tiền hơn 18,6 tỷ đồng.

Thành phố chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 612.167 lượt đối tượng diện chính sách có công, chính sách xã hội, dân nghèo, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khác với tổng kinh phí hơn 687,2 đồng (trong đó nguồn Trung ương hơn 16,5 tỷ đồng, nguồn địa phương gần 670,7 tỷ đồng). Thành phố cũng chăm lo Tết cho 136.532 cán bộ, công chức, viên chức với số tiền hơn 245,7 tỷ đồng.

Lương thưởng Tết kéo giảm đình công, lãn công - Ảnh 2.

Sinh viên không về quê đón Tết được Trung tâm quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM lì xì, tặng quà sớm để các bạn vui Tết vui hơn.


Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể thành phố; các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa để chăm lo cho các đối tượng, với tổng số tiền gần 277,8 tỷ đồng (tăng trên 58,3 tỷ đồng so với năm 2022).

Đặc biệt, năm nay thành phố bổ sung thêm đối tượng chăm lo là người trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đang sinh sống tại TPHCM; trẻ em mồ côi; UBND 312 phường, xã, thị trấn.

Tăng cường quản lý thị trường tháng cao điểm

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết, TPHCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ.

Nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường phục vụ hai tháng Tết là trên 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Thống kê cho thấy, sức mua, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng khoảng 4 - 5% so với Tết Nhâm Dần 2022; giá một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng nhẹ trong những ngày cao điểm mua sắm Tết.

Theo Ngô Tùng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên