MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương tối thiểu tăng nhanh nhưng nhiều người lao động vẫn không đủ sống

Nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu sống tối thiểu của một người lao động.

Hệ thống tiền lương tối thiểu của Việt Nam được đưa vào thực hiện từ năm 2006. Kể từ năm 2011, tiền lương tối thiểu được chia theo bốn vùng. Theo đó, lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động trong doanh nghiệp, liên hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, vá nhân và các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, công chức – viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thì sẽ có mức lương tối thiểu chung hay còn gọi là lương cơ sở.

Tốc độ tăng lương khá cao

Theo Báo cáo "Tiền lương tối thiểu ở Việt Nam" của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tốc độ tăng lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng tương đối cao.

Cụ thể, trong hai thập kỷ qua, tốc độ tăng lương cở sở hàng năm trung bình đạt gần 19%. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ này giảm xuống dưới 10%.

Lương tối thiểu tăng nhanh nhưng nhiều người lao động vẫn không đủ sống - Ảnh 1.

Tốc độ tăng tiền lương tối thiểu vùng, chỉ số giá, và GDP (%) (Nguồn: VEPR)

Với lương tối thiểu vùng, tốc độ tăng lương giai đoạn 2009 – 2016 cao hơn nhiều so với tốc độ gia tăng CPI và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tại cả 4 vùng, tốc độ tăng lương tối thiểu đều đạt mức trên 20%. Tốc độ tăng tiền lương tối thiểu vùng bình quân cao hơn gần 4 lần so với tốc độ tăng GDP và cao hơn 3 lần so với tốc độ tăng chỉ số giá.

Năm nay, lương tối thiểu vùng tiếp tục tăng, mức lương  mới cao hơn mức cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng.

Lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất

Bên cạnh đó, tốc độ tăng lương tối thiểu còn cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Kể từ 2012 tới nay, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động của cả ba khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước, và doanh nghiệp FDI ngày càng dãn rộng theo thời gian. 

Mức tăng không đồng bộ giữa lương tối thiểu và năng suất lao động không chỉ là mối đe dọa với tăng trưởng việc làm mà còn với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử.

"Xu hướng này không giống các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn các quốc gia khác", TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nói.

Lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu

Báo cáo cho biết trong giai đoạn 2010-2011, khi chỉ số giá tăng cao, mức lương tối thiểu vùng chỉ đáp ứng khoảng 47% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Đến năm 2015, nhờ vào tốc độ tăng nhanh của tiền lương tối thiểu, mức đáp ứng này đã tăng và đạt 80% (Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 2015).

Nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu sống tối thiểu của một người lao động.

Theo phân tích của Schmillen và Packard (2016), hộ gia đình với một lao động nhận lương bằng mức lương tối thiểu và với ít nhất ba thành viên phụ thuộc sẽ thuộc nhóm hộ nghèo. Tuy nhiên, hộ gia đình trung bình điển hình ở Việt Nam (gồm hai lao động và hai thành viên phụ thuộc) nằm trong nhóm hộ gia đình có lao động nhận lương tối thiểu thường không thuộc nhóm hộ nghèo.

Hơn nữa, một phần lớn người lao động nhận mức tiền lương/tiền công tháng thấp hơn lương tối thiểu theo quy định. Điều này là do các doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ quy định một cách chặt chẽ. Đặc biệt, với hơn 18 triệu lao động phi chính thức, lương tối thiểu sẽ không phát huy vai trò đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ.

Chính sách lương tối thiểu có gì cần lưu ý?

Từ những nhận định trên, VEPR đã đưa ra một số lưu ý với chính sách lương tối thiểu. 

Thứ nhất, chính sách cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu chính sách để nêu ý kiến trên quan điểm trung lập. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, lương tối thiểu cần được quy định thêm theo giờ hoặc ít nhất theo ngày.

Thứ hai, lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng cần được thống nhất. Việc tinh giảm bộ máy Nhà nước và cắt giảm các khoản chi tiêu công không cần thiết là yêu cầu cấp thiết.

Thứ ba, thay vì tăng lương với tốc độ cao như hiện nay thì Chính phủ cần có những hình thức hỗ trợ như nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện gần các khu công nghiệp. Điều này không chỉ giúp người lao động giảm được gánh nặng chi tiêu mà còn giúp họ giảm nỗi lo, tập trung trong công việc, gián tiếp nâng cao năng suất lao động

Thứ tư, Nhà nước cần kiểm soát thực thi chính sách lương tối thiểu để các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên