Lưu ý quan trọng khi ăn canh cua cà muối trong ngày hè
Canh cua cà muối là món ăn ngon quen thuộc trong bữa cơm của người Việt, tuy nhiên bạn cần lưu ý những điều quan trọng khi ăn canh cua cà muối trong ngày hè để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- 09-06-20235 lưu ý quan trọng để mua nhà theo ý muốn khi bước vào tuổi nghỉ hưu
- 06-06-2023Loại quả thơm lừng ngày hè có thể phòng bệnh ung thư nhưng khi ăn cần lưu ý vài điều
- 21-05-2023Rau đay được ví tốt như nhân sâm: 3 lưu ý tránh phí hoài 'thuốc đại bổ'
Ngày hè nóng nực, canh cua và cà muối là món đưa cơm được nhiều người ưa thích vì ngon miệng, dễ ăn.
Dưới đây là những lưu ý khi ăn canh cua đồng kết hợp cùng cà pháo từ các chuyên gia.
Giá trị dinh dưỡng của canh cua đồng và cà muối
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, từ xa xưa canh cua thường được ăn cùng cà muối và đến nay vẫn là món ăn ưa thích của nhiều gia đình Việt.
Canh cua đồng mát, bổ, dễ ăn, rất giàu canxi và chất dinh dưỡng. Trong 100g cua đồng cung cấp 87kcal, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao. Chất lượng protid trong cua đồng cũng thuộc loại tốt, qua phân tích người ta thấy 8 trên 10 axit amin cần thiết, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane.
Trong khi đó cà pháo vị ngọt, tính hàn, tác dụng tán huyết, tiêu viêm, nhuận tràng. Y học hiện đại chỉ ra trong 100g cà pháo cung cấp 1,5g protein (đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể), 12mg canxi, 0,7mg sắt, 18mg magiê, 16mg phospho, 22,1mg kali, 0,3mg kẽm.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, theo sách Hải Thượng Lãn Ông, cua đồng được gọi là điền giải: "Điền giải là cua đồng có vị ngọt lạnh, ít độc, hay sinh phong, tác dụng nối gân tiếp xương, chữa phong nhiệt, trừ mụn độc lở, huyết kết thống".
Cua đồng có thể chế biến với đa dạng các loại rau, củ như: cua nấu với rau đay + mồng tơi, rau giền, rau muống + khoai sọ, mướp, bầu, bí. Cua nấu riêu cũng được giã nát lọc lấy nước như nấu canh, nhưng không nấu với rau mà dùng một loại chất chua như khế, me, sấu. Riêu cua có thể kết hợp chan cơm hoặc ăn với bún, với bánh đúc thái mỏng.
Về giá trị dinh dưỡng của canh cua đồng, ngoài các chất dinh dưỡng trong cua đồng, rau củ nấu cùng cũng cung cấp lượng dinh dưỡng, vitamin cho cơ thể. Canh cua có nhiều chất bổ dưỡng, như chất đạm, canxi, sắt, đồng thời giúp bổ sung lượng nước và các chất điện giải cho cơ thể khi thời tiết nóng.
Thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra, nếu nấu một bát canh cua mồng tơi, mướp thì thành phần gồm: thịt cua đồng 55g, mồng tơi 70g, mướp 100g, dầu thực vật 5g, muối 1g thì giá trị dinh dưỡng cung cấp là 120Kcal, protid 9,1g, lipid 7,0g, glucid 5,1g, chất xơ 2,3g, vitamin A 116µg, beta-caroten 1504µg, vitamin C 58mg, canxi 218,7mg, sắt 2,7mg, natri 668,4mg, kali 558,9mg, kẽm 0,4mg.
Lưu ý khi ăn cua đồng và cà muối
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, khi ăn canh cua đồng cà muối bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Tuyệt đối không chế biến cua đồng đã chết vì trong cua đồng chết có chất histidine gây dị ứng nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, bị ngộ độc (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và một số vấn đề xấu khác đối với sức khỏe…).
- Tuyệt đối không ăn gỏi cua hay uống nước cua sống. Xa xưa, các đô vật trước khi bước vào trận đấu thường uống một bát nước cua đặc để tăng cường sức lực, vật khỏe và dai sức hơn. Những người đấu võ bị đòn đau, có ứ huyết cũng bảo nhau uống vài bát nước cua sống để trị chấn thương, chỗ đau chóng lành.
Việc làm này có thể gây hậu quả xấu cho sức khoẻ. Đúng là trong nước cua đồng có nhiều chất bổ dưỡng, nhưng nước cua đồng sống và gỏi cua đều là những món ăn sống có thể chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây ngộ độc thức ăn, đặc biệt là bệnh sán lá phổi (Paragonimus ringeri).
- Bệnh sán lá phổi tuy ký sinh trong phổi và đẻ trứng ở phế quản nhưng vẫn là một bệnh lây theo đường tiêu hóa. Trứng sán từ phổi bệnh nhân được bài xuất ra ngoài theo đờm, xuống nước và hình thành ấu trùng ở trong. Ấu trùng này ra khỏi vỏ trứng tìm đến một số loài ốc để ký sinh, sau đó vỏ ốc tìm các loài cua và tôm nước ngọt ký sinh dưới dạng nang trùng sán nói trên do đun nấu chưa chín sẽ lây bệnh.
- Như vậy ăn gỏi cua và uống nước cua sống là đường lây truyền bệnh sán lá phổi rất thuận lợi nếu trong số cua đồng chúng ta ăn gỏi hoặc giã lấy nước có một số con mang nang trùng sán.
Về cà pháo, trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, cà xanh chứa solanin, chất này giống như chất độc trong mầm xanh củ khoai tây.
Lượng solanin trong cà xanh cao gấp 5 - 10 lần so với mức an toàn. Do đó, việc sử dụng cà không đúng cách, thường ăn cà sống, cà xanh, chưa chín kỹ, sẽ là mối hiểm họa với sức khoẻ.
Ở mức độ nhỏ solanin có thể gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Khi ăn nhiều bạn sẽ có cảm giác đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, sốt, bệnh vàng da, giãn đồng tử và giảm thân nhiệt, ảo giác, mất cảm giác, tình trạng tê liệt.
Triệu chứng ngộ độc solanine thường xuất hiện trong 8 - 12 giờ sau khi tiêu thụ thức ăn, nhưng cũng có thể diễn ra trong vòng 30 phút khi nạp thức ăn có hàm lượng solanin cao.
Ăn cà xổi còn vị cay và hăng nồng thường là hàm lượng nitrat chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật trong nước dưa cà muối tác động, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không chỉ cà pháo muối xổi mà cà muối chua cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho cơ thể. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện dinh dưỡng quốc gia, cà muối thường mặn, việc ăn quá mặn và ăn trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới huyết áp và tim mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hoá.
Cà thường được người dân muối trong thùng sơn, đồ nhựa tái chế. Thùng sơn khi tận dụng vẫn còn lưu lại các chất phụ gia, chất tạo màu, dung môi... từ sơn. Dưới tác động của acid, muối, các chất phụ gia sẽ thôi nhiễm, thấm ngược vào thực phẩm gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cà muối trong môi trường kín khí có thể sản sinh ra độc tố botulinum, độc tố cực độc, nguy hiểm đến tính mạng.
Canh cua đồng nên ăn kết hợp với cà muối thế nào?
Trả lời báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS.BS Nguyễn Văn Tiến nói, các thức ăn muối mặn như dưa, cà, hành, kiệu muối,… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do có chất nitrosamin. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng ăn thức ăn có chất nitrosamin suốt thời gian dài thì mới có nguy cơ ung thư cao. Còn nếu thỉnh thoảng ăn cà pháo cùng canh cua để tăng phần hấp dẫn ngon miệng thì không có gì đáng ngại.
Khi ăn cà muối nói riêng và các món muối nói chung, lưu ý chỉ ăn khi cà đã chín đều, không ăn cà muối xổi. Cà muối xổi còn xanh và hăng sẽ có hàm lượng nitrit cao hơn cà đã muối chín bởi trong một vài ngày đầu do quá trình vi sinh khử, nitrat có trong cà sẽ trở thành nitrit. Tuy nhiên, nitrit giảm dần và sẽ mất hẳn khi cà đã chua. Vì vậy, nếu ăn cà muối, không nên ăn nhiều và khi muối cà không nên muối quá mặn để hạn chế lượng muối ăn vào cơ thể.
Tuy ngon và hấp dẫn nhưng cũng chỉ nên ăn 4-5 quả cà muối trong một bữa. Hơn nữa, cà pháo muối là món ăn mặn chứa nhiều muối. Những người khỏe mạnh bình thường cũng không nên ăn quá mặn, đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính, bệnh tăng huyết áp cần hạn chế ăn cà muối.
Canh cua với cà muối là món ăn thông dụng và phổ biến của người Việt, ngon mát về mùa hè và giá trị dinh dưỡng cao. Ăn cua bổ sung lượng canxi và chất đạm tốt cho sức khỏe. Mặc dù, canh cua là món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng trong mùa hè nhưng cũng chỉ ăn 3-4 bữa/tuần, ngoài ra nên sử dụng các món ăn khác để bữa ăn thêm đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
VTC News