MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do chỉ gần 900 người tham gia quỹ hưu trí bổ sung

Quỹ Bảo hiểm xã hội hưu trí bổ sung tự nguyện được thực hiện từ năm 2017, tới nay có 4 quỹ bảo hiểm thương mại được cấp phép cung cấp dịch vụ này, nhưng có chưa đến 900 người tham gia.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết vừa nhận được văn bản góp ý của Bộ Tài chính về chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện trong đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Loại hình bảo hiểm xã hội hưu trí bổ sung tự nguyện được quy định lần đầu trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bắt đầu áp dụng từ năm 2017. Đến nay, Bộ Tài chính đã cấp phép cung cấp dịch quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho 4 công ty quản lý quỹ (trong số 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán).

Lý do chỉ gần 900 người tham gia quỹ hưu trí bổ sung - Ảnh 1.

Tới nay, cả nước có chưa tới 900 người tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện (Ảnh minh họa).

Các công ty quản lý quỹ được cấp phép gồm: Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), MB (MBVF), SSI (SSIAM), Vietcombank (VCBF). Tổng số tài sản ròng các công ty này đang quản lý hơn 84 tỷ đồng của 890 người tham gia.

Trong đó, Công ty DCVFM triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng đang quản lý hơn 73 tỷ đồng của 217 người tham gia; Công ty MBVF triển khai 2 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng hơn 11 tỷ đồng của 673 người tham gia. Hai công ty quản lý quỹ còn lại đang quá trình thành lập và triển khai các quỹ hưu trí.

Bộ Tài chính cho hay, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung mang tính tự nguyện, nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc; cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân; quỹ được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư.

“Do đây là chính sách tự nguyện, cần có thời gian để doanh nghiệp và người lao động nắm bắt thông tin và tham gia; chính sách thuế đối với người tham gia chưa thực sự ưu đãi nên việc triển khai thời gian qua còn chậm, chưa hấp dẫn doanh nghiệp và người lao động tham gia”, Bộ Tài chính nhận định.

Từ đánh giá trên, Bộ Tài chính đề xuất, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đang giai đoạn đầu phát triển, cần thời gian đánh giá trước khi báo cáo cấp thẩm quyền cho phép tiếp tục hoặc dừng hoạt động.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Điều 3, 4), bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện do người lao động và người sử dụng lao động tự nguyện đóng góp, doanh nghiệp quản lý và đầu tư theo quy định. Nhà nước không hỗ trợ đóng góp, không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả. Nhà nước khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện.

Mức đóng, tần suất đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện theo thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; mức hưởng trên cơ sở số tiền đóng góp và hiệu quả từ đầu tư quỹ.

Điều kiện bắt buộc với doanh nghiệp và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện là đã tham gia BHXH bắt buộc, sau đó mới được tham gia quỹ bổ sung. Việc đóng thêm bảo hiểm hưu trí bổ sung được xem như một chính sách ưu đãi, giữ chân người lao động của người sử dụng lao động; người lao động có thêm lương hưu bổ sung khi về già bên cạnh các chế độ hưu từ bảo hiểm xã hội bắt buộc cơ bản.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên