MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do đặc biệt đang khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu gặp khó

23-11-2023 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Đức hiện đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng ngân sách sau khi đóng băng chi tiêu khẩn cấp. Dưới đây là lý do tại sao nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang gặp khó khăn.

Theo hãng tin Reuters ngày 22/11, Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có vẻ sẽ trì hoãn các cuộc đàm phán về ngân sách năm tới khi nước này đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc do buộc phải đóng băng các cam kết chi tiêu mới.

Việc trì hoãn các cuộc đàm phán - dự kiến diễn ra vào ngày 23/11 - sẽ cho thấy thách thức mà Chính phủ Đức phải đối mặt sau khi tòa án tối cao nước này ngăn chặn động thái chuyển 60 tỷ euro trong số tiền chưa sử dụng từ đại dịch COVID-19 sang đầu tư xanh.

Cụ thể, trong một phán quyết gây chấn động vào tuần trước, tòa án tối cao Đức đã phản đối việc tái phân bổ quỹ chống đại dịch COVID-19 chưa sử dụng cho cho các dự án về khí hậu và chuyển đổi. Điều này đã gây ra tình trạng hỗn loạn cho ngân sách nước này khi chính phủ ra lệnh đóng băng các khoản chi tiêu mới, đặc biệt là các sáng kiến xanh, trong khi tìm cách quyết định nên bãi bỏ đạo luật "phanh nợ" (debt brake) hay hạn chế chi tiêu ở các lĩnh vực  khác.

Trước đây, số tiền này được giữ lại để sử dụng cho năng lượng tái tạo, nhà ở tiết kiệm năng lượng, sản xuất chip và các biện pháp hỗ trợ cho các công ty năng lượng cao.

Phán quyết trên đã khiến kế hoạch công bố ngân sách năm 2024 của chính phủ liên minh do Thủ tướng Đức Olaf Scholz lãnh đạo vào cuối tuần trước rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Điều này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích biện pháp "phanh nợ" của Đức. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner tuyên bố quyết định này sẽ có tác động sâu rộng, buộc chính phủ phải hoạch định lại kế hoạch ngân sách của mình.

Đạo luật "phanh nợ", được áp dụng từ năm 2009 nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 0,35% GDP, cũng hạn chế nghiêm trọng khả năng vay vốn của Đức, điều mà nước này đã tìm cách ứng phó bằng cách đưa ra các quỹ ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, "phanh nợ" có thể được dỡ bỏ trong những thời điểm có nhu cầu đặc biệt. Điều này đã được thể hiện vào năm 2020, khi chính phủ cần hỗ trợ các công ty và nền kinh tế tổng thể sau đại dịch COVID-19.

Nó cũng được dỡ bỏ vào năm 2022, sau khi lãi suất, lạm phát và giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, "phanh nợ" đã được thực hiện trở lại vào năm 2023 với các quỹ thay thế cho mục đích trợ cấp giá năng lượng và quân sự.

Hiện tại, quỹ ngoài ngân sách đã vượt quá ngân sách thực tế của chính phủ, lên tới khoảng 869 tỷ euro và được chi cho các quỹ khí hậu, trợ cấp năng lượng, nâng cấp quân sự, v.v. Theo phán quyết của tòa án tối cao Đức, việc chi tiêu từ nguồn ngoài ngân sách cũng bị tạm dừng, trừ trường hợp đặc biệt.

Trong khi "phanh nợ" cho thấy Đức là một trong những quốc gia châu Âu ủng hộ kỷ luật tài chính mạnh mẽ nhất, nhưng nước này cũng phải đối mặt với phản ứng dữ dội. Người ta đổ lỗi cho việc Đức không thể vay đủ tiền để đầu tư vào đúng ngành vào đúng thời điểm.

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng sự cứng nhắc này có thể khiến Đức mất lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt khi nước này đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm và nhu cầu yếu. "Phanh nợ" cũng gây khó khăn cho lập kế hoạch đầu tư dài hạn hơn, khiến chính sách tài khóa của Đức tập trung hơn vào các kế hoạch ngắn hạn thay vì dài hạn.

Với phán quyết hiện tại của tòa án về việc rút vốn khỏi các dự án chuyển đổi xanh, Đức có thể còn bị tụt lại phía sau hơn nữa với các mục tiêu về lượng khí thải năm 2030 và năm 2045, vào thời điểm mà hầu hết các nước G7 khác cũng đang bị chậm lại. Tính cấp bách của biến đổi khí hậu cũng đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc liệu có nên dỡ bỏ "phanh nợ" vào năm 2023 và 2024 hay không, để cho Đức có cơ hội trở lại đúng quỹ đạo.

Phán quyết trên cũng có thể đe dọa hơn nữa chính phủ liên minh ba bên hiện tại của Đức, vốn đang lung lay do bất đồng và những cú sốc kinh tế ngày càng gia tăng.

Theo Công Thuận

Báo Tin Tức

Trở lên trên